Kinh tế

Giải ngân đầu tư công: Không để cơ hội thành lãng phí

Hằng Thy 09/07/2025 10:25

Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực nội tại và ngoại lai, giải ngân vốn đầu tư công đang được kỳ vọng là "đòn bẩy" thúc đẩy tăng trưởng.

Số liệu 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận những chuyển biến tích cực, cả về tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối. Tuy nhiên, chặng đường hướng tới mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn vẫn còn không ít thách thức, đòi hỏi những biện pháp quyết liệt hơn trong nửa cuối năm.

Tín hiệu tích cực ban đầu

Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết ngày 30/6/2025 đạt 268.133,854 tỷ đồng, tương đương 32,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2024 (28,2%). Về giá trị tuyệt đối, số vốn đã giải ngân cao hơn khoảng 80.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, có 7 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương (trước sắp xếp, sáp nhập) đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước. Nhiều địa phương đạt trên 50% kế hoạch vốn, điển hình như: Phú Thọ (85,7%), Hà Tĩnh (75,6%), Lào Cai (66,6%), Thái Nguyên (65,4%), Bắc Ninh (62,3%), Hà Nam (59,5%), Ninh Bình (59,5%), Bà Rịa - Vũng Tàu (54,9%) và Nam Định (53,9%).

Những kết quả này phản ánh nỗ lực của các địa phương trong cải cách thủ tục, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và nâng cao hiệu quả giải ngân.

dautucong(1).jpg
Dự án thành phần (DATP) 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 tính đến đầu tháng 6/2025 đạt khoảng 2.330 tỷ đồng, bằng 42,98% giá trị hợp đồng. Ảnh: Hương Giang

Dù tín hiệu tích cực đã xuất hiện, song báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy còn tới 34 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước.

Nguyên nhân được xác định đến từ nhiều "nút thắt" kéo dài, trong đó, nổi cộm nhất là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Có tới 22 địa phương gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, thiếu quỹ đất tái định cư, dẫn đến đình trệ thi công.

Bên cạnh đó, 8 địa phương phản ánh tình trạng chậm trễ trong lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch - đặc biệt là quy hoạch chi tiết và chỉ giới đường đỏ. 10 địa phương khác thì “vướng” nguồn cung vật liệu xây dựng, đơn giá, định mức không phù hợp. Tại Đà Nẵng và Quảng Nam, tình trạng khan hiếm cát xây dựng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hàng loạt công trình. Giá vật liệu biến động mạnh không chỉ làm tăng tổng mức đầu tư, mà còn gây khó khăn trong việc kiểm soát chi phí.

Ngoài ra, thiếu tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật chuyên ngành và chi phí tư vấn cũng là một nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm phê duyệt. Một số bộ, ngành và địa phương báo cáo thêm về hạn chế năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu, thủ tục đầu tư xây dựng còn rườm rà. Riêng 11 đơn vị thừa nhận tiến độ bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Nhiều dự án bị tạm dừng khởi công hoặc gián đoạn do thay đổi chủ đầu tư.

Đối với các dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông, như Dự án Vành đai 3 TP.HCM, đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Trung Sơn, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Hòa Liên - Túy Loan..., tiến độ giải ngân vẫn chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu.

Hạ tầng tăng tốc, cải cách tạo đà

Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, chi tiêu cho hạ tầng của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 đã tăng 40% so với cùng kỳ, nhờ cải cách mạnh mẽ trong quy trình phê duyệt dự án, tăng quyền quyết định cho địa phương và tinh giản thủ tục hành chính.

Việc trao quyền phê duyệt các dự án quy mô lớn như sân bay, khu đô thị trên 50 ha cho chính quyền địa phương, thay vì phải trình Thủ tướng, là bước đi táo bạo mang lại hiệu quả thực chất. Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua nhiều biện pháp để rút ngắn quy trình giải ngân, giúp các địa phương trực tiếp thực thi dự án mà không phải chờ đợi từ Trung ương.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập hệ thống Kho bạc Nhà nước từ 63 tỉnh thành xuống 20 khu vực, bãi bỏ cấp huyện, đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian giải ngân. Các nhà thầu giờ đây có thể nộp hồ sơ trực tuyến, thay vì đến tận nơi hoặc gửi bưu điện như trước, giúp rút ngắn thời gian giải ngân từ nhiều ngày xuống chỉ còn 1–3 ngày.

Các siêu dự án quốc gia như sân bay Long Thành (13 tỷ USD), đường vành đai Hà Nội - TP.HCM (13 tỷ USD), hay tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (8,4 tỷ USD) cũng đang được rút ngắn thời gian khởi công và hoàn thành lên đến 3 năm.

Hiện nay, nợ công Việt Nam đang dưới 40% GDP, ngân sách 5 tháng đầu năm thặng dư hơn 5% GDP, và có tới 45 tỷ USD vốn đầu tư công chưa được giải ngân. Rõ ràng, dư địa tài khóa vẫn còn lớn, chỉ cần khai thông pháp lý và thủ tục, dòng vốn này có thể tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ.

Đề xuất giải pháp “tăng tốc về đích”

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Để hiện thực hóa, Bộ Tài chính đề xuất hàng loạt biện pháp mang tính thúc ép và giám sát chặt chẽ hơn.

Trước hết, cần giao chỉ tiêu giải ngân theo tháng tới từng chủ đầu tư và coi đó là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm. Phương châm “6 rõ” - rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền - phải được quán triệt đến từng dự án.

Bộ cũng yêu cầu 34 tỉnh, thành sau sáp nhập khẩn trương rà soát, điều chỉnh, hợp nhất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo không xảy ra đứt gãy, gián đoạn đầu tư. Thời hạn gửi đề xuất điều chỉnh vốn ngân sách trung ương là trước 15/7/2025, còn điều chỉnh vốn ngân sách địa phương phải hoàn thành trước 20/7/2025.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng cho biết cần giải ngân thêm 63.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm để đạt kế hoạch năm. Một thách thức không nhỏ nếu không có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trong khu vực đang loay hoay tìm động lực phục hồi, thì việc Việt Nam duy trì được đà giải ngân vốn đầu tư công với tốc độ ấn tượng là một thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để “về đích” đúng tiến độ, hơn lúc nào hết, cần sự vào cuộc quyết liệt, thực chất và kỷ luật hành chính cao hơn từ tất cả các cấp, các ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải ngân đầu tư công: Không để cơ hội thành lãng phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO