“Bệnh” sợ trách nhiệm là “rào cản” phát triển kinh tế - xã hội

NGUYỄN GIANG 26/05/2024 03:10

Những năm gần đây, tình trạng đùn đẩy, né việc, co cụm, sợ trách nhiệm của cán bộ ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã được nhắc đến nhiều lần và luôn làm nóng nghị trường Quốc hội trong các kỳ họp…

Theo đó, sáng 25/5, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết 43 năm 2022 về chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm được cho là nguyên nhân khiến một số chính sách có kết quả thực hiện thấp tiếp tục được nhiều đại biểu "mổ xẻ".

>>Còn cơ chế “xin – cho” là còn tham nhũng

HIIHIH

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội). Ảnh: Như Ý

Một số ý kiến bày tỏ đặc biệt quan tâm tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả. Đây là một trong hai nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trì trệ, giảm hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết 43 nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.

Tại phiên thảo luận, đại biểu đoàn TP.Hà Nội Nguyễn Anh Trí đã cho rằng, ông "rất quan ngại" với tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

"Đùn đẩy, sợ trách nhiệm đã trở thành một loại dịch lan rất nhanh trong đội ngũ người thực thi công vụ trong mọi cấp, mọi ngành suốt từ năm 2022 đến hết năm 2023. Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức trong thời gian qua. Thực sự đau, và thực sự buồn", ông Trí nói.

Còn phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông nói tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức không chỉ là nguyên nhân mà còn là hiện tượng.

Theo đại biểu đoàn Bình Thuận, hiện tượng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm hiện nay xuất phát từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất là văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo; nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp; thủ tục thực hiện dự án phức tạp, chồng chéo dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị. Hai là, năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức còn hạn chế.

Ông Thông cũng nhấn mạnh, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến.

Nguyên nhân có phải là vì chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung? Theo đại biểu đoàn Bình Thuận, cả 2 nguyên nhân đều không phải vì hiện đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và chúng ta đã có Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Từ đó, ông Thông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả.

>>Khắc phục bất cập về pháp luật để chống thất thoát trong thu hồi tài sản tham nhũng

IHIHIH

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại hội trường.

Thực tế không chỉ ở kỳ họp này mà trong nhiều kỳ họp trước đây, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, không dám quyết, dám làm… vẫn là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và chủ đề này luôn làm nóng nghị trường trong các phiên họp. Điều này cho thấy, câu chuyện sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né việc… vẫn là một bài toán nan giải chưa có hồi kết, dù đã có các quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Câu hỏi đặt ra là vì sao tình trạng sợ sai lại kéo dài đến thế? Vì sao cùng một khuôn khổ pháp luật đấy nhưng có địa phương làm tốt, có địa phương lại làm kém? Vì sao cùng là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, có nơi xin cấp thêm vốn, nhưng có nơi lại xin trả lại? Và vì sao cũng là vấn đề đấy, nhưng như Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phản ánh, trước đây có thể quyết ngay, làm ngay, nhưng giờ lại đi hỏi khắp nơi?

Đặc biệt, vì sao có cơ quan, đơn vị, địa phương vượt qua nỗi sợ, đặt lợi ích của đất nước, của người dân lên trên hết, trước hết, dám quyết, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vậy tại sao có nơi lại có dấu hiệu co cụm lại, thủ thế an toàn…? Phải chăng vì giờ đây, khi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, thực hiện nghiêm minh, nên “hoa hồng” không còn, dẫn đến cán bộ không có động lực thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao? Hay vì pháp luật chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn những cách hiểu khác nhau, dẫn đến cán bộ sợ rủi ro, sợ vào “lò”?

Căn bệnh sợ trách nhiệm đang khiến cho việc giải quyết nhiều công việc chính đáng của người dân, của doanh nghiệp bị đình trệ; làm kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đáng nói nữa, đây cũng là nguyên nhân làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước. Vậy điều gì đã khiến cho đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo quản lý lại đùn đẩy, né tránh, sợ sai, không dám làm, không dám quyết kể cả những việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình?

Nguyên nhân do đâu mà tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên Đảng đề cập yêu cầu cần phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung".

Tiếp đó, Bộ Chính trị phải ban hành kết luận về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" . Thế nhưng thực tiễn, ở không ít nơi, cán bộ, công chức lại co cụm, cầu an, không làm đúng chức trách nhiệm vụ, chứ chưa nói đến chuyện có đột phá, sáng tạo.

Cuối cùng cần thẳng thắn nói rằng, cho dù là nguyên nhân gì thì hiện tượng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm là vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã từng nhấn mạnh: Rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể bạn quan tâm

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 5 – Dẹp bỏ nhóm lợi ích “Quan - Doanh”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 5 – Dẹp bỏ nhóm lợi ích “Quan - Doanh”

    03:00, 21/05/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 4 – Liêm chính trong kinh doanh

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 4 – Liêm chính trong kinh doanh

    03:00, 17/05/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 3 – Chiếc phong bì … thông lệ “bôi trơn”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 3 – Chiếc phong bì … thông lệ “bôi trơn”

    03:00, 03/04/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”

    03:00, 30/03/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 –p/Nhức nhối “cơ chế ngầm”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 – Nhức nhối “cơ chế ngầm”

    03:00, 29/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Bệnh” sợ trách nhiệm là “rào cản” phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO