Báo Diễn đàn Doanh nghiệp nhận đơn “kêu cứu” của Công ty CPSX KD và DV Bảo Long kiến nghị về việc doanh nghiệp bị vùng Cảnh sát biển 2 giữ 2.548 tấn phụ phẩm sau chế biến than mà không rõ lí do.
Theo đơn kêu cứu của Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ Bảo Long có trụ sở tại Hải Dương (Viết tắt là Công ty Bảo Long), lúc 01 giờ sáng ngày 16/6/2019, khi tàu vào tới khu neo đậu của cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế, có 4 người 1 người mặc thường phục, 3 người mặc trang phục Cảnh sát biển. Họ đi trên 1 phương tiện tàu gỗ, không cờ hiệu, không số hiệu, lên tàu kiểm tra.
Sau khi kiểm tra xong, tổ công tác của vùng Cảnh sát biển 2 lập biên bản vi phạm hành chính về sự vắng mặt của thuyền trưởng và việc không đầy đủ giấy tờ, bằng cấp của thuyền viên. Điều đặc biệt ở đây, tại hiện trường, không có biên bản vi phạm hành chính về hàng hóa vận chuyển trên tàu, địa điểm lập biên bản ở vùng biển Thừa Thiên Huế, cách trụ sở vùng Cảnh sát biển 2 (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) hơn 200 km nhưng chỉ sau 30 phút, tổ công tác đã đưa ra Quyết định số 01 "Tạm giữ phương tiện, hàng hóa...”, có đầy đủ chữ ký của Đại tá Đào Hồng Nghiệp, có đóng dấu vùng Cảnh sát biển 2, đồng thời lập biên bản tạm giữ phương tiện, hàng hóa cùng các giấy tờ, đưa tàu về giữ tại cảng Đà Nẵng.
Đây là lô hàng Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Lộc An (xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đặt hàng tại Công ty Bảo Long, ký kết Hợp đồng mua của Công ty Bảo Long 2.548 tấn phụ phẩm sau chế biến than. Đồng thời Công ty Bảo Long ký hợp đồng vận chuyển bằng tàu Nam Vỹ 79 của công ty CP phát triển dịch vụ Vận tải Trường Thành từ cảng Phú Thái đi cảng Chân Mây.
Sau khi bắt giữ tàu, Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 đã được Công ty Bảo Long cung cấp đầy đủ giấy tờ như hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp của công ty cũng như hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn than bùn, xít đầu vào để chế biến ra sản phẩm đang bị giữ trên tàu Nam Vỹ 79. Các giấy tờ, thủ tục, hoạt động kinh doanh của Công ty Bảo Long đều đúng theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa - Giám đốc Công ty Bảo Long khẳng định: “Công ty chúng tôi có đầy đủ giấy phép, chế biến và kinh doanh than, quyết định đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường của UBND tỉnh phê duyệt. Nếu Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 không có Biên bản vi phạm hành chính hàng hóa thì không thể đưa ra quyết định tạm giữ phương tiện hàng hóa của doanh nghiệp”.
Ông Khoa cho biết thêm, qua 7 ngày tạm giữ, Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 đã cử một tổ công tác xác minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác liên quan đến lô hàng, trưng cầu Vinacontrol Đà Nẵng giám định khối lượng, chất lượng lô hàng trên tàu Nam Vỹ 79… nhưng vẫn không đủ căn cứ ra quyết định xử lý, phải gia hạn thời hạn tạm giữ thực hiện giám định lần 2.
Đứng trước sức ép phải giao hàng đúng hợp đồng, nếu chậm sẽ bị đối tác khởi kiện, ngày 25/6/2019, Giám đốc Công ty Bảo Long liên hệ làm việc trực tiếp với Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 và được đồng ý nhanh chóng làm rõ, khẩn trương giải quyết vụ việc. Tổ công tác Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 đưa công văn yêu cầu công ty Bảo Long cung cấp báo cáo tài chính, kê khai thuế, báo cáo sử dụng hóa đơn, bảng kê hóa đơn GTGT đầu vào, đầu ra, bảng kê thanh toán hoạt động mua bán than... từ đầu năm 2019 đến nay.
Có thể bạn quan tâm
06:10, 25/07/2019
19:30, 23/07/2019
14:10, 23/07/2019
11:01, 22/07/2019
Giám đốc Công ty Bảo Long khẳng định: “Chúng tôi đã đề nghị Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 chứng minh những vi phạm hành chính của công ty bằng cách yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương cung cấp cho đảm bảo khách quan, minh bạch đúng quy định của Nhà nước. Nếu đủ chứng cứ chứng minh vi phạm hành chính thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật và giải phóng phương tiện, hàng hóa dứt điểm, hạn chế thiệt hại cho công ty chúng tôi”.
Theo ông Khoa, lô hàng này là hàng đặt, chế biến theo yêu cầu của bên mua nên không nằm trong hạng mục hàng hóa quy định tiêu chuẩn, chất lượng của Tập đoàn than – Khoáng sản Việt Nam. Vì vậy việc Bộ tư lệch vùng Cảnh sát biển 2 cho rằng việc vận chuyển lô hàng trên vi phạm hành chính là không có cơ sở. Đến nay khi đã hơn một tháng xác minh vẫn chưa có căn cứ để ra quyết định xử phạt hành chính.
Hiện nay công ty Cổ phần sản xuất Lộc An đã 3 lần gửi đơn yêu cầu công ty Bảo Long bồi thường thiệt hại do không giao lô hàng theo đúng thời hạn hợp đồng. Công ty cổ phần phát triển dịch vụ vận tải Trường Thành đơn vị quản lý tàu Nam Vỹ 79 cũng gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do tàu bị giữ ở cảng Đà Nẵng hơn một tháng nay.
“Trước sức ép của bạn hàng, đến nay chúng tôi vẫn chưa hiểu nguyên nhân vì sao tàu chúng tôi bị giữ quá nhiều ngày trong khi doanh nghiệp đang phải gồng mình gánh chịu những khó khăn vượt quá khả năng của mình. Việc giữ phương tiện và hàng hóa gây cản trở sản xuất kinh doanh, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Nhà máy của đối tác không có việc làm, đơn hàng bị hủy, tiền lương công nhân, chi phí bến bãi, lãi ngân hàng.. chồng chất khó khăn. Chúng tôi gửi lá đơn kêu cứu mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc “giải cứu” doanh nghiệp”, ông Khoa khẩn cầu.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.