Những bức tường được rao bán giá hàng tỷ đồng nghe có vẻ hài hước nhưng lại làm nóng vấn đề giải phóng mặt bằng khi mở đường ở các địa phương hiện nay.
Theo quy định của pháp luật, những hộ còn diện tích sau thu hồi không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng thì có quyền hợp thửa, hợp khối. Hai bên gia đình có nhu cầu, có thể thỏa thuận với nhau để mua bán. Trường hợp các hộ dân không thỏa thuận được thì chính quyền phải có trách nhiệm đứng ra hòa giải, giải quyết.
Tuy nhiên thực tế cho thấy không phải bức tường nào cũng có thể hợp thửa, hợp khối. Việc hợp thửa, hợp khối còn phụ thuộc vào nhu cầu, tiếng nói chung của 2 bên.
Để thực hiện dự án đầu tư, cải tạo đường hè, xây dựng đường ống thoát nước đường Phan Đăng Lưu, năm 2016, UBND quận Kiến An, Hải Phòng đã tiến hành thu hồi đất của các hộ dân trên tuyến đường này. Trong đó, gia đình bà Phạm Thị Cúc bị thu thồi hơn 206m2 đất thổ cư để phục vụ dự án. Sau khi giải phóng mặt bằng, gia đình bà Cúc còn lại 12,6m2 (với chiều dài hơn 19m, chiều rộng chỉ có gần 20cm).
Ngày 19/12/2016, UBND quận Kiến An đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12,6m2 còn lại của gia đình bà Cúc. Để giữ đất, sau khi chuyển đến nơi tái định cư, gia đình bà Cúc đã chăng bạt lên toàn bộ diện tích của gia đình.
Việc làm này đã khiến gia đình bà Đoàn Thị Đạt (sinh sống ở mảnh đất phía trong của bà Cúc) bị ảnh hưởng. Gia đình bà Đạt đã rất nhiều lần có đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị được làm rõ lý do vì sao dự án không thu hồi hết diện tích của bà Cúc như đã làm với các hộ xung quanh. Và đến thời điểm này gia đình bà Đạt vẫn không có ý định mua lại diện tích trên của bà Cúc để hợp thửa, hợp khối.
Trên thực tế đã có những vụ việc tương tự xảy ra, còn nhớ cách đây 2 năm dự luận cả nước xôn xao về những bức tường trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (Cầu Giấy, Hà Nội). Trong đó có bức tường của của gia đình ông Nguyễn Phương Châm, có diện tích 1,7m2, chiều rộng 14cm nhưng lại được rao bán với giá trên 1 tỷ đồng.
Bức tường này là diện tích còn sót lại của gia đình ông Châm sau thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Huyên.
Được biết, sau khi giải phóng mặt bằng đường Nguyễn Văn Huyên có khoảng 25 thửa đất hẹp như trên được rao bán với giá cao, thậm chí có hộ còn rao bán với giá hơn 20 tỷ đồng.
Vì sao lại có những bức tường được rao bán với giá “trên trời”? Có lẽ ai cũng có thể trả lời được câu hỏi này, nếu mua lại bức tường, ngôi nhà phía sau nghiễm nhiên trở thành nhà mặt đường. Từ đó giá đất cũng tăng vọt nên rất nhiều lần. Còn nếu nhà phía sau không mua bức tường thì nhà phía sau mãi mãi không thể ra mặt đường, kéo theo giá trị mảnh đất cũng rất thấp.
Có thể bạn quan tâm
14:01, 30/12/2019
04:00, 05/12/2019
11:13, 31/10/2019
Quay trở lại câu chuyện bức tường của gia đình bà Cúc (Kiến An, Hải Phòng), Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, Đoàn luật sư Hải Phòng cho rằng, dù theo quy định gia đình bà Cúc không được phép xây dựng trên diện tích còn sót lại sau thu hồi vì diện tích quá nhỏ không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng. Nhưng do đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên 12,6m2 vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Cúc.
Trong trường hợp của gia đình bà Cúc, giải pháp của chính quyền là thu hồi nốt phần diện tích còn lại để phục vụ cho mục đích công cộng. Tuy nhiên, việc thu hồi phải có căn cứ, đúng thẩm quyền và trình độ thu hồi, bồi thường, tái định cư.
Câu chuyện trên vốn dĩ không phải là mới nhưng tại Hải Phòng một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi: Vì sao các cơ quan chức năng không tính đến việc khi giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng thì thu hồi luôn những phần diện tích đất mỏng, méo... không đủ điều kiện xây dựng để tránh xảy ra tình trạng bi hài như câu chuyện trên?
Bởi, dù chỉ là bức tường vài m2 nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân, chính quyền không thể can thiệp được việc họ rao bán với giá trên trời để ép hộ phía trong phải mua nếu muốn ra mặt đường.
Thế nên khi những bức tường đó vẫn tồn tại thì những lá đơn kiếu nại vẫn tiếp tục được gửi đi.