Tính đúng đắn của việc tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế không có gì phải bàn cãi, nhưng sẽ là một “vết đen” đối với doanh nhân, doanh nghiệp, họ đang bị đối xử như đối tượng có nguy cơ hình sự…
>>Khoanh nợ, xóa nợ thuế: Chính sách giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng
Theo đó, tính chung 5 tháng đầu năm, đã có khá nhiều giám đốc, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bị cơ quan hải quan và cục Thuế các địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa; Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc… phát thông báo đến Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.
Đáng nói, có những khoản nợ thuế cách đây gần 15 năm, doanh nghiệp đã ngưng hoạt động thì lãnh đạo doanh nghiệp vẫn bị áp dụng hoãn xuất cảnh. Hay có những trường hợp số tiền nợ thuế quá hạn chưa tới 1 triệu đồng của Công ty TNHH thương mại hóa chất Gia Thăng, khiến Chủ tịch HĐTV công ty này, người đại diện theo pháp luật, vừa bị thông báo tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5 vừa qua. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định "chưa hoàn nghĩa vụ thuế" của doanh nghiệp này có từ... 10 năm trước, tháng 5/2014.
Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục có Công văn 5258 về phối hợp chỉ đạo trong công tác quản lý thuế. Trong đó, yêu cầu cơ quan thuế và các cơ quan liên quan ngoài việc công khai thông tin người nộp thuế chây ì nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân, người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Bình luận nội dung này trên tờ Viettimes, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, có vẻ các cơ quan thuế và hải quan đang hành động đúng luật khi áp chế tài lên những người vi phạm theo đúng quy định của luật pháp, nhằm mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao. Tính đúng đắn dường như không có gì phải bàn cãi.
Tuy nhiên, thực tế đang buộc phải xem xét lại vấn đề một cách thấu đáo. Theo ông Thiên, tại thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp Việt, cách làm đó đang gây tác động kinh tế – xã hội tiêu cực, tạo hiệu ứng ngược, triệt tiêu tác động tích cực của các chính sách “khoan thư sức dân” (chính sách giảm lãi suất, miễn – giảm – hoãn – hoàn thuế, phí…) mà Đảng và Chính phủ đang thúc đẩy thực hiện.
Lý giải rõ câu chuyện vì sao đã hành động đúng luật nhưng cần phải xem xét lại? Vị chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là cách tiếp cận Luật theo xu hướng “hình sự hóa” đối với doanh nhân nợ thuế (hoãn xuất cảnh) đang gây tác động kinh tế tiêu cực. Luật có thể hoãn người nợ thuế xuất cảnh, để bảo đảm nhà nước thu được thuế. Nhưng việc công khai danh sách doanh nhân bị hoãn xuất cảnh do nợ thuế hàm chứa xu hướng “hình sự hóa”, có nguy cơ làm tổn hại hình ảnh đáng tin cậy của các doanh nhân và doanh nghiệp.
“Nên lưu ý rằng khu vực nội địa của nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn hiếm thấy. Tổng cầu suy giảm mạnh, các luồng vốn bị ngưng trệ, nợ nần đè nặng doanh nghiệp, một bộ phận lớn doanh nhân – doanh nghiệp Việt đang vật lộn để sống còn. Trong hoàn cảnh đó, chậm nộp thuế, nợ thuế không còn là cá biệt mà đã trở thành trạng thái phổ biến của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, chậm thuế hiện nay đang gia tăng, nhưng chủ yếu do hoàn cảnh doanh nghiệp khó khăn, ít xuất phát từ động cơ “gian lận”, "trốn thuế" như trong điều kiện kinh tế bình thường. Đây là lúc mà “chậm thuế” cần được nhìn nhận trong tổng thể giải pháp “khoan sức dân” mà Đảng và Chính phủ đang làm, thay vì bị đối xử như đối tượng (có nguy cơ) hình sự.
Theo vị chuyên gia, các doanh nhân bị công khai danh tính hoãn xuất cảnh rất dễ bị nhìn nhận là “tội phạm”. “Chậm thuế dễ bị đồng nhất với “trốn thuế” thì còn đối tác nào dám chơi và làm ăn với họ nữa. Không được xuất cảnh thì họ làm sao tìm thêm đối tác, đơn hàng mới để phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường, có doanh thu để trả nợ thuế, đóng thuế! Như vậy là họ bị tước mất cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Thiên thẳng thắn nói.
Hơn nữa, theo ông Thiên, một khi công văn tạm hoãn xuất cảnh đối với doanh nhân được đưa ra sẽ tác động rất lớn đến cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết mà họ đại diện, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
“Tôi cho rằng quy định này lợi bất cập hại, nhất là khi nền kinh tế đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Hiệu ứng dây chuyền phát sinh. Nền kinh tế thị trường bị tổn thương nghiêm trọng. Cơ hội phục hồi cho lực lượng doanh nghiệp – doanh nhân Việt sẽ mất. Nói hậu quả sẽ là nghiêm trọng khó lường chính là như vậy”, vị chuyên gia chia sẻ.
>>Khoanh nợ, xóa nợ thuế - Cần có giải pháp và cơ chế phù hợp
Đồng quan điểm, chia sẻ trên báo Thanh Niên, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) cũng cho rằng, luật pháp phải được thực thi trên cơ sở tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, không nên cứng nhắc, gây tổn thất cho họ.
Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, mục đích cuối cùng của các chế tài là làm sao thu được số tiền nợ về cho ngân sách nhà nước. Nhưng trong thực thi, cần đặt vấn đề cơ quan nhà nước đã làm hết trách nhiệm, thông báo và thực hiện các biện pháp cưỡng chế trước đó đối với người nộp thuế hay chưa. Rất khó thuyết phục khi một doanh nghiệp nợ chưa tới 1 triệu đồng tiền thuế mà để lãnh đạo công ty đó bị hoãn xuất cảnh.
“Thông thường, doanh nghiệp và người dân luôn luôn ngại, sợ thuế bởi họ có công cụ là các quy định pháp luật để áp dụng. Nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, không ai dại gì để đi nợ thuế kéo dài để bị bêu tên, lãnh đạo bị hoãn xuất cảnh. Thế nên, liên quan thuế, áp dụng kiểu gì thì doanh nghiệp luôn ở phía dễ bị thiệt thòi. Nay tăng quyền cho các đơn vị thuế với mục đích để tăng thu thuế nợ tồn đọng, là chưa thỏa đáng lắm”, TS. Nguyễn Minh Thảo nhận xét.
Có thể bạn quan tâm