Câu chuyện về một người đàn ông gầy dựng kinh doanh với những món đồ… không giống ai và hiếm ai cần.
Khởi nghiệp tuổi 20
Người đàn ông này tên Richard Thalheimer, sinh năm 1948 tại tiểu bang Arkansas (Mỹ). Thời niên thiếu của ông gắn liền với những công việc vặt ở gian bán đồ chơi trong cửa hàng bách hóa của bố ông. Lớn hơn chút nữa, cậu Richard thể hiện đầu óc kinh doanh khá đáng nể: cậu đã kiếm đủ tiền mua một chiếc Porsche mới nhờ bán bách khoa toàn thư khi đang là sinh viên năm nhất ngành tâm lí và xã hội học tại Đại học Yale.
Vừa qua tuổi 20 ít năm, Richard chuyển đến San Francisco và mở một công ty thuộc lĩnh vực in ấn (lĩnh vực vốn rất thịnh hành lúc ấy), và đặt tên công ty là The Sharper Image (tạm dịch: In ảnh nét hơn) với mong muốn cung cấp nguyên liệu (giấy và mực) thật tốt để tạo ra những bản sao chất lượng.
Vừa điều hành công ty, Richard vừa theo học Trường Luật Hastings. Thành ra vào mỗi buổi chiều giữa các buổi học, vị quản lí trẻ phải tranh thủ giao hàng cho các doanh nghiệp ở khu trung tâm tài chính của San Francisco.
Triệu phú nhờ đồng hồ đeo tay
Quá mệt mỏi khi phải đi giao hàng liên tục, Richard muốn có một cuốn danh mục sản phẩm để các doanh nghiệp tham khảo và đặt hàng qua thư. Nhưng trước hết, anh cần một sản phẩm chủ lực.
Thập niên 1970, hãng đồng hồ Seiko (Nhật Bản) vừa ra mắt chiếc đồng hồ đeo tay hoàn toàn kĩ thuật số đầu tiên trên thế giới. Nhưng với giá 300 đôla Mỹ, hầu như chẳng ai mua nổi.
Trùng hợp thay, Richard bắt gặp loại đồng hồ giống như này được bày bán tại một quầy hàng nhỏ ở Triển lãm Hàng Công nghệ Tiêu dùng (CES) với giá chỉ… 35 đô. Richard liền thỏa thuận với chủ hàng về nguồn cung, đặt luôn trang nhất tạp chí Runner’s World để quảng cáo chiếc đồng hồ với giá 69 đô, thậm chí liên hệ vận động viên có biệt danh “lão tướng chạy bộ” Walt Stack làm gương mặt đại diện.
Với chi phí quảng cáo 1.000 đô, doanh thu Richard nhận về được cao gấp 10 lần, và tiền lời chiếm một nửa. Anh lặp lại quy trình này nhiều lần, lần sau lại mắn hơn lần trước. Năm 27 tuổi, anh đã kiếm được 1 triệu đô
Cuốn danh mục khởi đầu đế chế
Đến đây, Richard lại muốn dấn thân vào những sản phẩm đặc biệt - những món “chẳng ai bán”. Anh cho biết: “Tại triển lãm CES, ai cũng đến các quầy hàng tên tuổi như Sony hay Panasonic, còn tôi ghé những gian nhỏ nơi người ta bán những thứ chẳng ai biết.”
Những lần ghé thăm và tìm hiểu sản phẩm đó đã giúp Richard có tư liệu làm ra cuốn danh mục sản phẩm đầu tiên với 25 món độc lạ, như điện thoại không dây, máy trả lời tự động, máy phát hiện bắn tốc độ. Mỗi món kèm những dòng mô tả tập trung thể hiện chức năng và sự độc đáo của nó.
Cuốn danh mục nhanh chóng phát huy tác dụng: Doanh thu năm đầu đạt 500.000 đô, qua năm sau đã tăng gấp 6 lần, đến năm 1980 đạt 12 triệu đô.
Cuốn danh mục nằm trong tay của 3 triệu người trên khắp thế giới, với chi phí mỗi lần chuyển phát chỉ là 1,4 đô. Richard đặc biệt nhắm vào nhóm người dùng Mỹ có thẻ tín dụng (chiếm 20% dân số) và lập một số điện thoại đường dây nóng để đặt hàng. Một văn phòng nhỏ của hãng ở San Francisco với chỉ 5 - 6 thành viên nhưng xử lí cả tá đơn hàng mỗi phút.
Thời vàng son
The Sharper Image rõ ràng đã xuất hiện đúng lúc, khi thị trường thập niên 1980 là thời của những đồ hào nhoáng và phong cách tiêu dùng phô trương.
Richard - giờ đây là ngài giám đốc Thalheimer - mở rộng thêm kinh doanh tại các cửa hàng bán lẻ với nhiều chi nhánh được mở trên khắp nước Mỹ, bán từ ghế massage giá 1.500 đô cho các trùm ngân hàng New York, đến máy cạo lông mũi và cân điện tử biết nói cho khách du lịch Hawaii.
Ở vị trí quản lí công ty, ông Thalheimer được tờ New York Times mô tả là “nhà kinh doanh kiểu mẫu”: vẻ ngoài phong trần lực lưỡng cùng sự kiên định quyết đoán, kèm khả năng nắm bắt xu hướng và nâng tầm những món đồ độc.
Vì thế, doanh thu của The Sharper Image đạt 100 triệu đô (toàn bộ là tiền bán hàng, không hề có vốn hay nợ) vào năm 1985. Khi lên sàn chứng khoán lần đầu vào năm 1987 với giá 10 đô/cổ phiếu, đế chế hàng độc cùng vị thuyền trưởng của nó dường như bất khả chiến bại.
Còn tiếp...
Có thể bạn quan tâm