Khi khởi nghiệp trong môi trường công nghệ tiêu dùng siêu cạnh tranh và chỉ trong vòng 3 năm doanh thu đã cao hơn AMD, Spotify, Twitter hay Snap, bạn có thể hài lòng với chính mình.
Đó chính xác là những gì mà bộ phận thiết bị đeo, nhà và phụ kiện của Apple đã làm được. Tai nghe không dây AirPods mang về cho “táo khuyết” ước tính 7,3 tỷ USD năm 2019, tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2018 – mức tăng 121%. Không tệ với một sản phẩm ra đời mà gần như không có khán giả, chỉ được trình bày “ké” 5 phút trong sự kiện giới thiệu iPhone và Apple Watch tháng 9/2016.
AirPods ban đầu được định vị khá khiêm tốn, chỉ là món phụ kiện cho iPhone 7 và 7 Plus và giải quyết vấn đề gây ra khi Apple loại jack tai nghe khỏi iPhone. Phiên bản mới nhất – AirPods Pro 2019 – mang thiết kế mới và khả năng khử tiếng ồn chủ động nhưng cũng không được xuất hiện trên sân khấu.
Tuy nhiên, sự bất công mà Apple dành cho AirPods không thể ngăn cản nó phổ biến nhanh như “cháy rừng” như lời của Phó Chủ tịch Tiếp thị sản phẩm Greg Joswiak. “Nó còn làm tốt hơn những gì chúng tôi có thể tưởng tượng”.
Theo ước tính, năm 2019, Apple bán khoảng 35 triệu tai nghe AirPods. Dù Apple chưa bao giờ tiết lộ doanh số cụ thể, trong cuộc gọi hội nghị báo cáo kinh doanh quý I/2020, CEO Tim Cook nhấn mạnh “nhu cầu AirPods tiếp tục là một hiện tượng”.
Có nhiều lý do mang đến thành công cho AirPods. Theo đúng phong cách Apple, mỗi phiên bản AirPods đều có giá bán đắt đỏ. Sau khi bổ sung các tính năng quan trọng như khử tiếng ồn và sạc không dây, bản Pro lại trở thành thước đo trong danh mục tai nghe không dây.
AirPods cũng trở thành biểu tượng văn hóa của thế hệ người trẻ. Một điều thú vị là Apple không cho các phiên bản AirPods cũ “nghỉ hưu” sau khi Pro ra đời nhưng lại phát triển 3 phiên bản rõ ràng với 3 mức giá khác biệt cho người dùng, động viên họ mua nhiều cặp tai nghe cho các hoạt động khác nhau.
So với Apple Watch phải mất vài năm để phổ biến, AirPods là sản phẩm rẻ hơn và dễ tiếp thị hơn nhiều. Neil Cybart, nhà sáng lập hãng nghiên cứu Above Avalon, nhận xét mọi người đều dùng smartphone nên sẽ mua tai nghe.
Còn theo Joswiak, Apple đã có tầm nhìn về một tương lai không dây trong nhiều năm trước khi mẫu AirPods đầu tiên được tiết lộ. Năm 2009, công ty giới thiệu phiên bản tai nghe có dây EarPods được đại tu. Nhà sản xuất iPhone đã hợp tác với Đại học Stanford để thu thập dữ liệu về kích cỡ tai của mọi người. Sau đó, Apple tiếp tục lập bản đồ tai, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lớn hơn để tạo ra mô hình chính xác hơn nữa, dẫn tới sự hình thành AirPods Pro dưới dạng mô phỏng và nguyên mẫu vật lý.
Giám đốc Apple cho biết đã làm việc với Stanford để quét 3D hàng trăm hình dạng, mẫu tai khác nhau để đưa ra thiết kế vừa vặn với một bộ phận dân số lớn. Với AirPods Pro, họ nghiên cứu nhiều hơn nữa và cho phép phát triển thiết kế hợp với phần lớn mọi người.
Tất nhiên, AirPods không phải chỉ toàn ưu điểm. Một khi pin sạc trong AirPods hỏng, nó trở nên vô dụng và phải trả về Apple để được thay mới với mức giá thấp hơn và Apple có thể tái chế từ tháo rời phần cứng. Với những người cảm thấy quy trình phức tạp, họ sẽ cho tai nghe cũ ra thùng rác và mua mới, không phù hợp với hướng sản xuất thân thiện môi trường của Apple.
Với Apple Watch và AirPods, Apple đang thống trị hai trong số các thị trường đeo lớn nhất: smartwatch và headphone. Có tin đồn hãng đang phát triển hai loại kính thực tế tăng cường. Theo chuyên gia Cybart, cổ tay, tai và mắt là “bất động sản” giá trị của mỗi người và là nơi mà bất kỳ công ty nào như Apple muốn đặt sản phẩm vào đó.