Ý tưởng kinh doanh

Bí quyết bán đắt gấp đôi thị trường mà vẫn thành công

Quân Bảo 06/04/2025 2:22

Thay vì theo thị trường đại chúng, startup Sharge tập trung vào nhóm khách hàng cao cấp, am hiểu công nghệ, và nay là những người thích trí tuệ nhân tạo (AI).

Startup sạc dự phòng Sharge thành lập năm 2019, là thành quả của Zhang Bo cùng nhóm đồng nghiệp cũ. Sản phẩm đầu tiên Sharge tung ra thị trường đem đến kết quả vượt xa kỳ vọng, thu về hơn 1 triệu đô. Chỉ trong vòng 2 năm, các mẫu sạc dự phòng cao cấp của họ đã vươn lên tốp đầu danh mục trên Amazon Mỹ. Đến năm 2024, doanh thu Sharge vượt 28 triệu đô, trong đó 60% doanh số đến từ thị trường quốc tế.

s-3200x1700px6eabf5c3-2d47-41c2.jpg
Startup sạc dự phòng Sharge thành lập năm 2019

Sharge mở cửa 2025 với màn ra mắt kính thông minh tích hợp AI. Thoạt đầu, sản phẩm này nhanh chóng cháy hàng và gây tiếng vang lớn trong ngành công nghệ. Với sản phẩm kính tích hợp AI lần này, Sharge được nhiều người lần đầu tiên biết đến. Tuy thành lập từ 6 năm trước, có lãi, nhưng họ chỉ hoạt động âm thầm, thiếu đi sự chú ý của giới truyền thông. Mẫu kính AI lần này đã giúp họ trở thành tâm điểm.

Khi Zhang rời Meizu để thành lập Sharge, thị trường phụ kiện phần cứng là môi trường cạnh tranh khốc liệt của những người chơi mới. Để tồn tại, các startup buộc phải chọn những ngách mà các ông lớn công nghệ bỏ qua. Với tư cách là lính mới, Zhang và đồng đội cũng chọn con đường tương tự. Sau khi khảo sát thị trường, họ nhận thấy phân khúc sạc dự phòng mặc dù bão hòa nhưng vẫn còn một số nhóm người dùng nhất định chưa được đáp ứng nhu cầu.

Chẳng hạn, những người thích hoạt động ngoài trời cần sạc dự phòng dung lượng cao, chống nước, chịu được va đập, đủ để sạc cho flycam lẫn máy ảnh. Hoặc các doanh nhân cần sạc siêu phỏng, sạc nhanh, hỗ trợ nhiều thiết bị cùng lúc.

Chính nhu cầu này đã khiến Sharge nghĩ đến gallium nitride (GaN), một vật liệu từng chỉ được sử dụng trong lĩnh vực quân sự, nhưng gần đây đã bắt đầu được ứng dụng cho dân dụng. Tiềm năng của công nghệ này trong lĩnh vực sạc dự phòng dần hiện rõ. Các công ty như Anker, Baseus, Ugreen bắt đầu tung ra các mẫu sạc dự phòng dựa trên công nghệ GaN. Khi ấy, Sharge cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.

Chiến lược cao cấp hóa

Thành công đến với Shagre vì họ thấu hiểu chính xác đối tượng khách hàng mục tiêu và đáp ứng được nhu cầu của họ. Thay vì cạnh tranh trong thị trường phổ thông với các sản phẩm giá rẻ, Sharge lựa chọn con đường cao cấp một cách có chủ ý. Bởi vì họ nhận định được rằng khách hàng cốt lõi của mình là những người đam mê và có kiến thức về công nghệ. Đây là nhóm khách hàng thường bị hấp dẫn bởi những sản phẩm đi đầu về hiệu suất và thiết kế, sẵn sàng trả thêm tiền để sở hữu một sản phẩm chất lượng vượt trội.

csm_shargedealteaser_9717df8684.jpg
Thành công đến với Shagre vì họ thấu hiểu chính xác đối tượng khách hàng

Khi đã lựa chọn con đường này, Sharge vạch ra chiến lược đầu tư phù hợp. Họ sẵn sàng chi gấp 2-3 lần so với đối thủ trong khâu nguyên liệu thô và thiết kế để bảo đảm sản phẩm của mình luôn nổi bật, cả về hiệu suất lẫn vẻ bề ngoài.

Thiết kế độc đáo của Sharge lấy cảm hứng từ iMac G3 của Apple, một sản phẩm với lớp vỏ trong suốt, cho phép người dùng nhìn thấy bên trong. Vậy nên các mẫu sạc dự phòng của Sharge cũng được thiết kế theo kiểu phô bày bảng mạch in (PCB), chip, pin và các linh kiện khác, mang lại vẻ ngoài rất “tương lai, công nghệ cao”. Thiết kế này không chỉ thu hút những người tò mò về mặt hình ảnh mà còn giúp người dùng dễ dàng nắm bắt cấu trúc và chức năng sản phẩm. Thậm chí một số mẫu còn tích hợp màn hình hiển thị đa chức năng, cung cấp thông tin thời gian thực.

Với sự tỉ mỉ này, Sharge không thể nào bán sản phẩm với giá như mặt bằng chung. Thay vào đó, hàng của họ lúc nào cũng cao hơn nhiều so với đối thủ. Chẳng hạn mẫu Flow Mini dung lượng 5.000mAh của Sharge giá khoảng 21 đô, trong khi các sản phẩm tương tự chỉ có giá 7-8 đô. Giá cao là vậy, nhưng đúng như Shagre kỳ vọng, sản phẩm của họ vẫn thu hút tệp khách hàng riêng và bán chạy.

Ban đầu Sharge chỉ nhắm đến nhóm người đam mê công nghệ, nhưng giờ đây họ mở rộng sang các nhiếp ảnh gia, những người bay flycam. Đây là nhóm đối tượng rất cần các giải pháp sạc dự phòng khả thi, tiện dụng cho thiết bị của mình, đặc biệt trong những chuyến đi dài hoặc chụp ảnh ngoài trời kéo dài. Zhang cho biết nhóm khách hàng này có nhiều yêu cầu hơn, nhưng cũng là nhóm khách hàng trung thành nhất của Shagre.

Không chỉ đáp ứng đúng nhu cầu của từng nhóm đối tượng khách hàng riêng biệt, Shagre còn tinh chỉnh sản phẩm của mình để phù hợp với thị hiếu trong và ngoài nước.

Chẳng hạn tại Trung Quốc, nơi người tiêu dùng ưu tiên sự tiện lợi, đa năng, giá hợp lý, Sharge phát triển các mẫu sạc dự phòng nhỏ gọn, dung lượng vượt trội với giá ổn định 14-28 đô. Ngược lại ở thị trường nước ngoài, đặc biệt Mỹ và Châu Âu, nơi đề cao hiệu suất và trải nghiệm người dùng, thì Shagre tập trung bán các mẫu sạc dựa trên công nghệ GaN, với tốc độ sạc nhanh hơn và dung lượng cao hơn.

Các sản phẩm cao cấp của Shagre để lại dấu ấn mạnh mẽ tại thị trường quốc tế. Mỗi đơn đặt hàng trung bình trị giá 100-200 đô. Website riêng của Shagre thu hút 700.000 - 800.000 lượt ghé thăm mỗi tháng, với doanh số đều đặn 400.000 - 500.000 đô.

Chiến lược ưu tiên sản phẩm, dẫn dắt bằng tiếp thị

Thị trường sạc dự phòng hiện nay đang gặp vấn đề đồng nhất hóa nghiêm trọng. Tức là các sản phẩm tuy thuộc nhiều thương hiệu khác nhau nhưng lại có thiết kế, dung lượng pin và tốc độ sạc tương tự nhau, khiến người tiêu dùng khó phân biệt, lựa chọn. Tình hình càng khó khăn hơn khi công nghệ sạc dự phòng gần như không còn gì để đột phá.

sharge-icemag-2.jpg
Các sản phẩm cao cấp của Shagre để lại dấu ấn mạnh mẽ

Trong bối cảnh ấy, các thương hiệu phải cạnh tranh bằng cách tinh chỉnh tính năng sản phẩm và tối ưu thiết kế để đáp ứng nhu cầu cốt lõi của tệp khách hàng mục tiêu. Muốn thành công, thương hiệu không chỉ cần kiến thức kỹ thuật, mà còn phải thấu hiểu sâu sắc người dùng và đưa ra được chiến lược tiếp thị sắc bén để truyền tải hiệu quả những đổi mới đó.

Tệp khách hàng chính của Sharge là những người đam mê công nghệ, am hiểu thông số kỹ thuật đến từng chi tiết. Những người này cực kỳ chú ý đến các cải tiến nhỏ. Quyết định mua hàng của họ không chỉ dựa vào chức năng, mà còn đến từ yếu tố thẩm mỹ, tính độc đáo và cảm giác đặc biệt. Một số người thậm chí còn xem sạc dự phòng cao cấp như phụ kiện thời trang hoặc vật sưu tầm, thường mua nhiều mẫu có thiết kế hoặc phiên bản giới hạn khác nhau.

Với tệp khách hàng như vậy, Sharge cũng đưa ra chiến lược tiếp thị tập trung và có chủ đích rõ ràng. Thay vì chạy theo thị trường đại chúng, họ nhắm đến tệp khách hàng trung tâm và tận dụng lòng trung thành của nhóm này để tạo hiệu ứng lan truyền. Chẳng hạn, ngay từ khi bắt đầu, họ chọn ra mắt sản phẩm đầu tay của mình trên Kickstarter, một nền tảng gọi vốn cộng đồng quen thuộc của giới đam mê công nghệ tại Châu Âu và Mỹ.

Zhang phân tích rằng các sàn TMĐT như Amazon chỉ tập trung vào bán hàng, nên hiệu quả trong việc xây dựng tệp khách hàng trung thành là không cao. Ngược lại, Kickstarter thường mang đến 30–50% lượng truy cập tự nhiên đầu tiên cho một dự án. Từ đó, Sharge kéo khách hàng này về website độc lập của mình và dần dần xây dựng một cộng đồng khách hàng trung thành, với tỷ lệ mua lại hàng năm lên đến 40%. Nhiều khách hàng còn quay trở lại vào năm sau để khám phá thêm các dòng sản phẩm khác.

Nhà đồng sáng lập này khẳng định rõ ràng rằng Sharge không nhắm đến thị trường đại chúng. Chiến lược của Sharge là xác định và tiếp cận người dùng dựa trên sở thích và đặc điểm của họ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến họ thông qua gợi ý của nền tảng và các thuật toán quảng cáo.

Để củng cố vị thế tại các thị trường nước ngoài, Sharge đầu tư mạnh vào bản địa hóa. Tại châu Âu, họ xây dựng một trang web độc lập bằng tiếng Đức và thường xuyên chia sẻ bài đăng trên Instagram và X với nội dung được sản xuất bằng tiếng Đức. Ở khu vực Bắc Âu, Sharge xây dựng một mạng lưới nhà phân phối vững mạnh và hợp tác chặt chẽ với các nhóm bán hàng địa phương.

Hiện tại, sản phẩm của Sharge có mặt tại hàng chục quốc gia trên toàn thế giới thông qua cả kênh trực tuyến và trực tiếp. Tại Trung Quốc, công ty hợp tác với các chuỗi cửa hàng như Sundan. Còn ở nước ngoài, họ thiết lập quan hệ bán lẻ với các chuỗi lớn như MediaMarkt và Best Buy.

Dĩ nhiên, thâm nhập thị trường nước ngoài không hề dễ, cần rất nhiều chi phí để thấy được hiệu quả. Vậy nên Shagre đang thử nghiệm một hướng đi khác hơn, đó là tuyển dụng nhân sự địa phương tại Châu Âu để mở các cửa hàng pop-up tại các vị trí đẹp trong các TTTM lớn. Họ tin rằng cách làm này sẽ hiệu quả hơn về mặt chi phí so với việc gia nhập các kênh bán lẻ, đồng thời đem lại trải nghiệm mua hàng offline vượt trội cho khách hàng.

Nhiều thách thức trong tương lai

Sharge thành công khi chọn và khai thác phù hợp một ngách mà các ông lớn tạm thời bỏ ngỏ. Nhìn từ góc độ này, có thể nói rằng sản phẩm của Sharge không quá đột phá. Tuy nhiên họ vẫn khẳng định được dấu ấn nhờ sự kiên định, bền bỉ và chú trọng từng chi tiết.

Tuy vậy, tương lai của Sharge không hoàn toàn suôn sẻ. Chi phí nguyên liệu đang giảm, khiến chi phí sản xuất sạc dự phòng dự kiến hạ, làm gia tăng áp lực cạnh tranh về giá trong ngắn hạn. Để đối phó với hoàn cảnh này, Sharge có kế hoạch duy trì định vị cao cấp song song với con đường mở rộng danh mục sản phẩm. Có hai hướng đi rất tiềm năng cho Shagre. Một là giải pháp năng lượng cho máy ảnh và flycam, với yêu cầu sạc nhanh, ổn định. Hai là phần cứng tích hợp AI, lĩnh vực mà dung lượng pin đang ngày càng trở thành vấn đề nan giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bí quyết bán đắt gấp đôi thị trường mà vẫn thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO