Bí quyết của cô gái nghèo khởi nghiệp chỉ với 1 triệu đồng

Theo bizlive 15/02/2019 05:16

Từ số vốn 1 triệu đồng, bà mẹ "bỉm sữa" ấy đã có trong tay cơ ngơi nhiều người ngưỡng mộ, bản thân chị trong những ngày bắt đầu ấy chắc cũng không bao giờ dám nghĩ đến.

Từ một cô giáo nghèo tới người sở hữu một doanh nghiệp liên quan tới giáo dục, làm chủ một trường mầm non; từ đồng vốn ban đầu vỏn vẹn 1 triệu đồng tới thành công rực rỡ với nghề kinh doanh online... hành trình 4 năm khởi nghiệp của Kim Thùy tựa như một câu chuyện truyền cảm hứng.

Nguyễn Thị Kim Thùy, cô gái khởi nghiệp với... 1 triệu đồng.

Nguyễn Thị Kim Thùy, cô gái khởi nghiệp với... 1 triệu đồng.

Khi ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đã gần kề, cũng là thời điểm Thùy vừa cho ra mắt tập sách đầu tay mang tên "Nghệ thuật bán hàng qua facebook". Cuốn sách là những chia sẻ, kinh nghiệm được chị đúc kết bởi 4 năm lập nghiệp với kinh doanh online.

Từ số vốn 1 triệu đồng, bà mẹ "bỉm sữa" ấy đã có trong tay cơ ngơi nhiều người ngưỡng mộ, bản thân chị trong những ngày bắt đầu ấy chắc cũng không bao giờ dám nghĩ đến.

Khởi nghiệp với... 1 triệu đồng

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, Thùy đã phải rất vất mới có thể tìm được một công việc giảng dạy với đồng lương ít ỏi. Liền sau đó, chị kết hôn.

Lúc mới lấy nhau, cả hai vợ chồng đều nghèo. Nhà mình bố bị bệnh, lại phải lo lắng nhiều khoản nên tiền lương dạy học của mình không dành dụm được bao nhiêu.

Chồng mình làm xây dựng nhưng gần 1 năm không được thanh toán tiền lương, quyết định bỏ chỗ làm để kiếm tìm một công việc khác.

Lương chỗ làm mới của chồng được 2,5 triệu/ tháng. Lương của vợ được 5 triệu. Trừ tiền thuê nhà, ăn uống và các khoản tiêu, tháng đầu tiên tiết kiệm được 1 triệu đồng.

Thời gian đó mình rất mong có một đứa con, nhưng mình lại không dám đẻ. Vì nếu sinh con lúc đó chắc chắn không thể cho con một cuộc sống tốt.

Mình kế hoạch... và lên dây cót cho việc kiếm tiền”, Kim Thùy chia sẻ.

"Làm gì với số vốn 1 triệu đây?". Cả hai vợ chồng chị lúc ấy cứ loay hoay mà không có câu trả lời...

Bản thân chị tự nhận mình là người hay quan sát, thấy lúc đó nhiều chị em bán đồ lót rất đắt hàng nên nghĩ: "Hay nhập một chút về bán nhỉ?".

Nhưng mối buôn ở đâu? Thùy lên google tìm kiếm, search hàng đống cụm từ liên quan đến nội y nhưng không ra được kết quả vừa ý. Thế rồi như một cơ duyên, giữa lúc đó, tự dưng chị làm quen được một mối buôn có giá tốt.

"Như chết đuối vớt được cọc, hai vợ chồng phi xe đến luôn. Đơn hàng lấy buôn đầu tiên của mình hình như hơn 700k (1k bằng 1000 đồng), mình không nhớ rõ lắm. Mình chỉ nhớ, một chiếc quần chip lần đầu tiên mình nhập giá 20, về bán 25k, lãi được 5k/ chiếc.

Đơn hàng đầu tiên ở 38 Lê Thanh Nghị, chị khách tên Huyền Anh. Chắc đến bây giờ chị ấy vẫn chưa biết được chị ấy là vị khách đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của mình...", Thùy nhớ lại.

Thùy kể, đơn hàng đầu tiên, chị lãi được 15k, cộng với 15k tiền ship đoạn đường gần 20km, tổng là 30k. Trưa về nắng như đổ lửa mà chị vẫn thấy vui, "vui kinh khủng".

Thùy kể, công việc cứ tiến triển như vậy, chị bán đến đâu nhập hàng đến đấy bởi mỗi lần đi lấy hàng chỉ có vốn mấy trăm nghìn. Nhưng sau cứ tăng dần, tăng dần, 2 tháng sau nhập hàng hẳn 3 triệu. Lúc ấy, chị thấy "sao mà mình nhập nhiều, oách thế".

Vết "gai hoa hồng" đầu tiên

Đang trên đà làm ăn "được được" thì Thùy bất ngờ bị tai nạn. Trên đường đi về quê chẳng may chị bị một người say rượu đâm phải khiến Thùy bị gẫy hai xương ngón chân, phải điều trị gần hai tháng.

"Vợ chồng mới tích được vài triệu thì cho vào viện cả, cũng chỉ còn mấy trăm nghìn sót lại thôi", Thùy nhớ lại quãng thời gian này.

Bản thân mình thấy mình có động lực để phấn đấu đến hôm nay là nhờ bên cạnh có người chồng lúc nào cũng ủng hộ, yêu thương hết mực. Vì vợ, anh ấy chẳng ngại một điều gì.

Thùy kể, thời gian chị không đi làm được, chồng chị lao đi kiếm tiền như con thiêu thân. Ngày đi làm, tối về ship hàng cho vợ, chẳng ngại nắng mưa, cứ khách gọi hàng là ship.

"Có một ngày chủ nhật, khách tận Nhà máy sứ Thanh Trì order một cái quần ngố nữ. Nhà mình ở tận An Dương Vương đến đó thì mọi người biết nó xa thế nào rồi.

Khách xem quần xong từ chối không lấy vì không có túi, mà rõ ràng hình mình đăng có túi đâu, cũng không trả tiền ship. Chồng quay về, ấm ức kể với vợ.

Mồ hôi nhễ nhại, lúc anh ấy vào nhà tắm rửa mặt mà mình cứ ngồi khóc, vì tủi thân, vì thương chồng. Chồng thấy vợ khóc hỏi tại sao, chỉ dám nói em đau chân chứ không dám bảo vì thương chồng quá ".

Ba tháng sau, Thùy bắt đầu đi lại được. Lúc này, kinh tế của hai vợ chồng cũng đã kiệt quệ. Những lúc chồng đi làm, Thùy lại giấu chồng đi giao hàng cho khách. Có hôm bị chồng phát hiện, cô phải nói dối để chồng yên tâm.

Trong tuần, cô vẫn là giáo viên lên lớp bình thường, nhưng đến ngày nghỉ lại lao đi ship hàng, bất chấp nắng mưa, bởi "ngồi ở nhà mãi sao sống được, còn bao nhiêu thứ phải lo".

Những bí kíp bán hàng online đầu tiên

Bán "bia kèm lạc"

Thùy kể, thời gian này chị có nhập thêm ít áo phông nam về bán. Đến khi giao hàng cho khách thấy khách bảo: "Ơ, áo này đẹp quá, em có mang màu tím không? Chị muốn mua thêm màu tím", rồi khách đòi thêm màu này, màu kia nhưng có đâu.

Về nhà chị nghĩ "Sao mình ngu thế nhỉ? Mỗi lần đi ship mang theo hàng có phải bán được thêm không?".

Nghĩ là làm, từ hôm đó, dù khách chỉ mua 1 chiếc áo chị cũng mang cả bọc theo.

Có hôm, bán một đơn ở Hoàng Đạo Thành được lãi tổng hơn một triệu, mặc dù ban đầu khách chỉ hỏi mua hai cái áo 200k, Thùy kể.

Sau này, những đơn hàng khác Thùy vẫn duy trì, áp dụng cách bán hàng như vậy.

Bởi chị nghĩ, ban đầu khách có thể chỉ định mua cho chồng, nhưng đem đến khách lại có nhu cầu mua cho bố, mua cho em chồng, mua cho em mình, mua tặng con cháu, người thân...

Mạng xã hội là cửa hàng lớn nhất mà không mất tiền thuê

Đến khi Thùy manh nha có ý định mở một cửa hàng, chị đã lên các nhóm online hỏi ý kiến mọi người để xem có nên mở cửa hàng không.

Thế rồi, có một bình luận của một người anh đã làm Thùy đọc đi đọc lại mãi: "Facebook của em là một cửa hàng lớn mà em không phải mất tiền thuê". Chỉ một câu nói ấy thôi làm Thùy có cảm giác não của mình sáng hơn hẳn.

Chính từ đây, Thùy mới bắt đầu có niềm tin lớn, cảm thấy thị trường online là thị trường tiềm năng nhất."Mình quyết tâm khai thác thị trường này", Thùy nói.

Mở rộng mối quan hệ, tìm kiếm thêm mối hàng

Bán hàng online không ai sờ, không ai nắn được sản phẩm, người mua hàng mua bằng "niềm tin". Vậy làm sao để lấy được niềm tin của khách hàng đây?... Phải cho khách hàng thấy mặt mình, biết tên mình cái đã!, Thùy đặt câu hỏi rồi tự tìm cho mình lời giải đáp.

Thùy kể, khi bắt đầu chị đã tham gia rất nhiều buổi offline, hội thảo của các nhóm tổ chức. Xa mấy cũng đi, bận mấy cũng không ngại. Các buổi offline đó cho chị niềm vui, quen nhiều người và khách hàng đông dần lên.

Bản thân mình thấy may mắn khi cuộc đời gặp nhiều người trân quý mình, tạo điều kiện cho mình đến vậy. Họ lặng lẽ chia sẻ, giúp đỡ mình tìm kiếm khách hàng, ủng hộ hàng của mình.

Họ an ủi, họ động viên khi mình gặp khó khăn, vấp ngã.

Cuộc đời này, nếu cho mình cơ hội trả ơn, mình sẽ trả ơn họ mãi mãi, yêu quý họ bằng tình cảm không gì đánh đổi được.

Cho nên, giờ nhiều cộng tác viên của mình, mình đều giúp đỡ họ, tạo điều kiện trong khả năng có thể của bản thân.

Với suy nghĩ, muốn mở rộng khách hàng phải xách xe lên và đi. "Nếu vượt qua được 10 cây số thì có thêm khách phạm vi 10 cây số, nếu vượt qua được quãng đường 50 cây số có thêm khách cách 50 cây số, nếu vượt qua 100 cây số...", Thùy đã tạo được một mạng lưới khách hàng ngày càng rộng lớn và ổn định cho mình.

Chị cho biết mình luôn chăm chỉ đi các nơi tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo. Từ bạn bè đại học, chỗ thân quen, thỉnh thoảng lại kiếm được mối hàng từ họ. Tiếp đến phụ huynh học sinh cũng là chủ xưởng sản xuất, giám đốc nhà máy nọ kia, họ cũng đổ hàng cho chị.

"Cô cứ lấy hàng nhà chị về mà bán, bán được thì trả tiền. Hai đứa con là tài sản lớn nhất chị giao được cho cô, mấy cái hàng này có gì ghê gớm đâu", Thùy nhớ lại khi nhắc đến những gì phụ huynh học sinh từng nói với chị.

Chiếc "gai hoa hồng" thứ 2

Công việc đang thuận lợi thì Thùy mang thai mà không hay biết. Đúng dịp đó hai vợ chồng chị lấy bưởi Diễn về bán Tết. Bưởi bán rất đắt hàng, có ngày bán hết cả nghìn quả. Buổi sáng 5 giờ hai vợ chồng đi chở bưởi, 7h lại thay quần áo đi làm.

Có lẽ vì ham công tiếc việc, có ngày chở tới 300 quả bưởi Diễn đi ship cho khách ở khắp nơi nên Thùy suýt bị sảy thai, phải vào bệnh viện bắt đầu một hành trình dài an dưỡng, tiêm thuốc, giữ con...

Thời gian này, chồng chị đi làm cách bệnh viện 50 cây số, nhưng trưa nào cũng phi về viện đem cơm cho vợ. Mặc dù lúc chồng đi làm ở một mình trong Viện Phụ sản Hà Nội, nhưng chị cho biết mình vẫn lạc quan lắm.

"Tất nhiên, không thể tránh khỏi nhưng cơn ác mộng bị mất con hàng đêm, nhưng giật mình thức dậy thì chồng ở bên ôm ấp, vỗ về rồi. Mình cố gắng vui vẻ nhất có thể, ăn uống điều độ vì con. Thật may mắn, ông trời đem đến cho mình đứa con gái khoẻ mạnh và ngoan ngoãn", Kim Thùy bùi ngùi.

Khi công việc kinh doanh online bắt đầu thu được những thành tựu nhất định cũng là lúc những dự định chưa hoàn thành ngày một thôi thúc chị nhiều hơn. "Mình yêu nghề dạy học. Đó cũng là ước mơ còn dang dở của bố mà ông đang muốn mình viết tiếp", chị Thùy nghẹn ngào.

Có vốn rồi, chị bắt đầu mở lớp Tiếng Anh, xây dựng Trường mầm non, mở Công ty về Giáo dục và làm những thứ liên quan đến giáo dục...

"Mỗi ngày, dù rất bận rộn nhưng mình vẫn thấy cuộc sống thật ý nghĩa, vì mình đang được làm thứ mình thích, mình yêu... Thành quả lớn nhất đạt được hiện tại, sau 4 năm, một cô nhóc 2 tuổi, ngoan ngoãn, đáng yêu; một anh chồng thương con, chiều vợ; một ngôi nhà nhỏ xinh xinh đứng tên hai vợ chồng", Kim Thùy chia sẻ...
Hỏi Thùy: "Sao chị làm và hoàn thành từng ấy việc chỉ trong 4 năm?". Thùy trả lời: "Vì mình làm hôm nay chứ không đợi ngày mai...".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bí quyết của cô gái nghèo khởi nghiệp chỉ với 1 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO