Ngày 01/4, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Khu xử lý chất thải (XLCT) Quang Trung.
>>>Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải điện tử
Cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn công tác cũng đến làm việc tại một số khu XLCT khác trên địa bàn tỉnh để khảo sát tình hình hoạt động, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các đơn vị và nắm bắt thực tế để định hướng cho vấn đề bảo vệ môi trường của tỉnh trong thời gian tới.
Báo cáo tại buổi làm việc, Công ty CP Dịch vụ Sonadezi (SDV) - chủ đầu tư Khu XLCT Quang Trung cho biết, với tổng diện tích gần 130 ha, Khu XLCT Quang Trung bao gồm tiểu dự án khu xử lý chất thải (90,705 ha) và tiểu dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng lô C,D (38,7 ha). Hiện nay, Khu XLCT Quang Trung đã đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào vận hành các hạng mục xử lý, hạng mục hạ tầng kỹ thuật, trong đó có trạm tái chế chất thải làm phân compost công suất 1.200 tấn/ngày, lò đốt chất thải công nghiệp công suất 1 tấn/giờ…
Khu XLCT Quang Trung hiện đạt công suất xử lý khoảng 1.571 tấn/ngày. Tính trung bình trong quý I/2022, khối lượng chất thải nguy hại và không nguy hại tiếp nhận tại Khu XLCT Quang Trung lần lượt là 46,8 tấn/ngày và 317 tấn/ngày. Đối với rác thải sinh hoạt, SDVđang thu gom, tiếp nhận rác thải sinh hoạt của 8 địa phương trên địa bàn tỉnh và xử lý bằng phương pháp tái chế làm phân compost với khối lượng trung bình khoảng 1.200 tấn/ngày, đảm bảo tỷ lệ rác trơ chôn lấp dưới 15%.
Ghi nhận nỗ lực của SDV, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, với công suất hơn 1.500 tấn/ngày, SDV đã góp phần giải quyết một lượng lớn rác thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai đã nêu quan điểm của tỉnh trong công tác xử lý chất thải, trong đó tỉnh đặc biệt chú trọng đến công nghệ xử lý. Nếu không đầu tư công nghệ tiên tiến, nhà máy xử lý rác rất dễ trở thành điểm ô nhiễm môi trường của địa phương. Hiện nay, xu hướng chung là khuyến khích công nghệ đốt trong xử lý chất thải. Trong thời gian tới, việc sử dụng công nghệ xử lý chất thải triệt để sẽ là điều kiện để các đơn vị tham gia đấu thầu, kinh doanh dịch vụ xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh; đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu về công nghệ sẽ được chọn, tỉnh sẽ không giao rác cho các đơn vị sử dụng công nghệ lạc hậu.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Thà giá thành xử lý rác tăng lên một chút nhưng sử dụng công nghệ mới sẽ đem lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng, tiết kiệm đất, xử lý triệt để”.
Đối với Khu XLCT Quang Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khuyến nghị SDV cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý chất thải triệt để và phù hợp yêu cầu của địa phương trong giai đoạn tới. Với khối lượng tiếp nhận trên 1.000 tấn/ngày thì đốt phát điện là phương pháp tốt nhất. SDV nên tính toán lại kế hoạch đầu tư dự án Nhà máy điện rác Quang Trung - công suất 150 tấn/ngày để có thể triển khai sớm.
Báo cáo về những khó khăn, vướng mắc của SDV, Tổng Giám đốc Trần Anh Dũng đã nêu 3 vấn đề cụ thể. Thứ nhất là vấn đề thanh toán chi phí xử lý chất thải năm 2021. Mặc dù đã hết quý 1 năm 2022 nhưng hiện nay SDV chưa được thanh toán đầy đủ chi phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải y tế lây nhiễm, rác thải sinh hoạt phát sinh từ các khu phong tỏa, khu cách ly tập trung trong năm 2021 (tổng chi phí chưa được thanh toán gần 32 tỷ đồng).
Thứ hai là việc triển khai dự án Nhà máy điện rác Quang Trung hiện đang gặp vướng mắc. Ngày 23/7/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị phê duyệt bổ sung dự án Nhà máy điện rác Quang Trung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Tuy nhiên, đến nay SDV vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, tại tiểu dự án kinh doanh hạ tầng khu xử lý tái chế chất thải lô C, D, do có các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý (được quy định bởi Luật đất đai) và các quy định liên quan đến đầu tư, cho đến nay việc xin chủ trương đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp vào dự án đang gặp khó khăn.
Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn công tác của Tỉnh ủy ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Công ty SDV. Sau buổi khảo sát thực tế tại các đơn vị, đoàn công tác sẽ họp bàn giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp môi trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển thuận lợi.
Có thể bạn quan tâm
Tái chế chất thải, SDV giúp Đồng Nai giảm diện tích chôn lấp khoảng 4ha/năm
14:12, 04/01/2022
Hải Phòng: Cấp bách giải bài toán quản lý chất thải rắn xây dựng
02:21, 30/12/2021
Hà Nội: Nguy cơ tràn chất thải ra môi trường, bãi rác Nam Sơn xin dừng tiếp nhận
10:58, 03/11/2021
Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải điện tử
23:48, 16/10/2021