Tỉnh Hải Dương vừa công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi” là Bảo vật quốc gia tại lễ khai hội Côn Sơn - Kiếp Bạc
Gần 7 thế kỷ qua, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đã góp phần làm nên nét văn hoá đặc sắc, đa dạng không chỉ của riêng vùng đất Hải Dương mà trở thành dòng chảy liên tục “hội tụ, kết tinh và lan toả” tinh thần yêu nước, tinh thần giữ gìn những giá trị văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống.
Long trọng phần lễ, sôi nổi phần hội
Trọng tâm của lễ khai hội năm nay là công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Côn Sơn tư phúc tự bi là bảo vật quốc gia vào sáng 3/3 tại sân trước gác chuông chùa Côn Sơn.
Trải qua trên 700 năm tồn tại và phát triển, Lễ hội Côn Sơn đã trở thành nét sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc. Năm 2018, lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn với tưởng niệm 684 năm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 – 2018) và công bố Bảo vật quốc gia “Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi”.
Trước khi vào chính hội ngày 3/3 (tức ngày 16 tháng giêng), ngày 10/1 âm lịch đã diễn ra lễ dâng hương và lễ tế khai hội tại đền Kiếp Bạc và chùa Côn Sơn, thu hút hàng vạn người dân và khách thập phương trảy hội.
Phát biểu trong lễ khai hội, ông Lương Văn Câu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: Năm 2017, Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Văn bia được tạo tác năm Hoằng Định thứ 8 (1607), trong đợt đại trùng tu chùa Côn Sơn ở thế kỷ 17, do Chiên Đường Nguyễn Đức Minh soạn thảo, Tạ Tuấn viết chữ, Lê Liễu người xã Kính Chủ, huyện Kinh Môn khắc bia. Nội dung văn bia khẳng định chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ 18, là nơi trụ trì của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang Tôn giả, chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Văn bia ghi lại quá trình tôn tạo, tu bổ chùa Côn Sơn đầu thế kỷ 17, gồm 83 gian với các công trình: Phật Điện, Tổ Đường, Hậu Đường, Cửu Phẩm Liên Hoa với 385 pho tượng…
Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi là một tư liệu quý về văn học, sử học, mỹ thuật, nhất là đối với việc nghiên cứu lịch sử phát triển của chùa Côn Sơn. Đây là tấm bia dạng thức lục giác rất hiếm ở nước ta, niên đại sớm nhất của dạng bia này là tấm bia Quốc sư Báo Ân tự bi ở chùa Báo Ân (Hải Dương) dựng năm 1585. Ngày 15/2/1965, trong chuyến về thăm Côn Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc văn bia, vừa dịch vừa giảng giải nội dung tấm bia cho nhân dân cùng nghe. Hình ảnh đó trở thành kí ức linh thiêng gắn với lịch sử nơi đây.
Bên cạnh các nghi lễ, diễn xướng linh thiêng, độc đáo như: lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi tại khu di tích Côn Sơn và lễ dâng hương tại đền Kiếp Bạc, đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu ở khu di tích Kiếp Bạc ngày 2/3 (15 tháng giêng); Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc ngày 4/3 (17 tháng giêng); Lễ đàn Mông Sơn thí thực và Lễ giỗ Tam tổ Trúc lâm Huyền Quang Tôn giả tại sân chùa Côn Sơn ngày ngày 10/3 (23 tháng giêng)...
Nét hấp dẫn của lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc còn nằm ở phần hội đa dạng, phong phú với nhiều hoạt động: Liên hoan Pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ VIII, Giải thi đấu vật dân tộc mở rộng; thi đấu Cờ tướng; Hội thi gói bánh Chưng, giã bánh Giày tổ chức vào ngày 14-15 tháng Giêng âm lịch hằng năm…Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa khác cũng diễn ra vô cùng sôi nổi, thu hút du khách như: diễn xướng hầu thánh ở đền Kiếp Bạc, viết thư pháp, các chương trình văn nghệ ca trù, chèo ở đền Nguyễn Trãi…
Dấu ấn lịch sử linh thiêng
Trải qua trên 700 năm tồn tại và phát triển, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành “quốc lễ”, được ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Côn Sơn – Kiếp Bạc có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử; thể hiện công lao to lớn của thiền phái Trúc Lâm với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và ghi nhớ công lao của Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả.
Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254 tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý. Ông là người thông minh, hiếu học, được mệnh danh là thần đồng, nổi tiếng khắp xứ Kinh Bắc và cả nước. Năm 20 tuổi, ông đỗ đầu khóa thi Hương, 21 tuổi đỗ đầu khoa thi Giáp Tuất. Người đời gọi ông là Lý Trạng nguyên. Làm quan nhà Trần không lâu, ông từ quan tìm đến tôn giáo, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách. Ngoài ra, ông cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông đi khắp nơi trong nước thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm. Những năm cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn, xây dựng tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Hằng năm, ngày mất của ông trở thành ngày giỗ Tổ của chùa Côn Sơn.
Để mùa lễ hội 2018 diễn ra thành công, an toàn, tỉnh Hải Dương đã xây dựng kế hoạch tổ chức cụ thể. Nét mới năm nay chính là việc Ban tổ chức lễ hội tiến hành dẹp bỏ toàn bộ các hàng quán trong khu vực nội tự chùa Côn Sơn nhằm trả lại không gian tôn nghiêm nơi đây. Trước và trong lễ hội, công tác tuyên truyền, quảng bá được chú trọng bằng nhiều hình thức. Các phương án đảm bảo an ninh trật tự được triển khai. Ban quản lí di tích phối hợp tổ chức cho các hộ dân trong khu vực di tích kí cam kết không tăng giá và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội; không để hình thức kinh doanh đổi tiền lẻ, hưởng chênh lệch trong khu vực di tích. Ban tổ chức cũng bố trí các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp hành nghề mê tín, dị đoan, nâng giá, chèo kéo du khách thập phương; ngăn chặn hành vi lừa đảo trá hình thông qua cá trò chơi bài bạc, bán thuốc rong trong khu vực lễ hội.