Du lịch

Hải Dương: Hút khách du lịch qua Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc

Bùi Hiền 30/08/2024 01:12

Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 12-22/9 với nhiều nghi lễ truyền thống, hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Đây là một trong hai lễ hội truyền thống tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc. Lễ hội này đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc trên khắp mọi miền đất nước.

chua-con-son.png
Chùa Côn Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII

Theo đó, Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 được tổ chức nhằm tưởng niệm 724 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Đồng thời, đây cũng là dịp để người dân tôn vinh triều đại nhà Trần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại diện phía Ban tổ chức cho biết: “Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024 có nhiều điểm mới và đặc sắc hơn so với lễ hội năm trước. Tại lễ hội năm nay sẽ tổ chức khai mạc tuần văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại. Cùng với đó, cũng sẽ trao giải cuộc thi Hướng dẫn viên du lịch tỉnh Hải Dương năm 2024. Tới nay, Ban tổ chức cũng đang gấp rút chuẩn bị, sẵn sàng cho các hoạt động của lễ hội, phục vụ chu đáo du khách đến tham quan”.

Lễ hội mở đầu bằng lễ dâng hương và tế Cáo yết ngày 12/9, kết thúc ngày 22/9 với lễ rước bộ, lễ tế và giỗ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Các hoạt động chính của lễ hội diễn ra tập trung từ ngày 18 - 22/9 (tức 16 - 20/8 âm lịch).

le-hoi-con-son-kiep-bac.png
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023

Lễ tưởng niệm 724 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Lễ khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 sẽ diễn ra tối 18/9 với chương trình nghệ thuật đặc sắc kết hợp công nghệ hiện đại. Lễ hội diễn ra vào thời điểm hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới trình UNESCO đang được thẩm định. Từ đó, mở ra cơ hội nhằm quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa giá trị di sản văn hóa nổi bật toàn cầu của khu di tích.

Tại Khu di tích Côn Sơn, trong ngày 18/9 cũng sẽ diễn ra Lễ rước bộ, Lễ tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi; Lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ lễ hội cũng diễn chuỗi hoạt động trưng bày cổ vật với chuyên đề “Di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương” vào ngày 19/9 gồm: Trưng bày về di tích, danh thắng, danh nhân thời Trần; cổ vật tiêu biểu thời Trần và những phát hiện khảo cổ học thế kỷ XIII-XIV.

Tỉnh Hải Dương cũng tổ chức hoạt động trình diễn Nghệ thuật múa Rối nước, Lễ Cầu an và Hội hoa đăng, Liên hoan Diễn xướng hầu Thánh trong ngày 20/9, bế mạc Liên hoan Diễn xướng hầu Thánh ngày 21/9 và tổ chức lễ rước bộ, lễ tế, lễ giỗ Đức Thánh Trần và bế mạc Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại trong ngày 22/9 với các gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch, nông sản đặc trưng, sản vật của địa phương, hiệp hội, làng nghề trong tỉnh và một số tỉnh bạn.

Bà Phạm Thị Hoa (người dân TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương cho biết): "Năm nào gia đình tôi cũng đến đây thắp hương để tưởng nhớ đến các vị anh hùng có công với đất nước, một phần nữa là để cầu mong bình an, thuận lợi trong kinh doanh cho gia đình. Đồng thời, tôi cũng được trải nghiệm các hoạt động lễ hội truyền thống đặc sắc. Tôi thực sự rất tự hào và cũng mong chờ Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 tới đây. Hi vọng, sẽ có nhiều người biết và đến tham gia lễ hội hơn nữa trong tương lai".

UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các tiểu ban nội dung, tuyên truyền, lễ tân, khánh tiết, an ninh trật tự, quảng bá văn hóa và xúc tiến thương mại khẩn trương hoàn tất công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, tạo không gian lễ hội trang trọng, an toàn, lành mạnh, ghi điểm trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Mới đây, đoàn chuyên gia Hội đồng Di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) - tổ chức tư vấn cho UNESCO về di sản thế giới đã đến thẩm định thực địa đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Việc thẩm định thực địa lần này rất quan trọng, là cơ sở để UNESCO xem xét và công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc ghi danh Di sản văn hóa thế giới trong Kỳ họp thứ 47 tổ chức vào năm 2025.

Một hồ sơ di sản chưa có tiền lệ ở Việt Nam, khi mà phạm vi nghiên cứu xây dựng trải rộng ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, với 20 điểm, cụm điểm di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia, 7 di tích quốc gia đặc biệt.

Việc xây dựng hồ sơ công nhận di sản thế giới cho quần thể di tích được khởi động năm 2013 nhưng sau đó phải tạm dừng để bổ sung, chứng minh các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO, gồm giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực.

Năm 2020, 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương tổ chức 6 hội nghị, hội thảo quốc tế, khai quật khảo cổ tại 9 điểm di tích và triển khai hàng loạt đề tài nghiên cứu nhằm xác định giá trị, bổ sung hồ sơ di sản.

Đầu năm nay, hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được trình lên UNESCO để xét công nhận di sản thế giới. Nếu được công nhận, đây sẽ là di sản thế giới liên tỉnh thứ hai ở Việt Nam sau Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - Quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Dương: Hút khách du lịch qua Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO