Biến đổi khí hậu và quản lý phát thải các-bon

Diendandoanhnghiep.vn Biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến cuộc sống và sự phát triển bền vững của toàn thế giới.

Nhiều nền văn hoá, hệ sinh thái đang dần bị mất đi do tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu cũng đã tác động mạnh mẽ đến các nước cả về mặt chính trị, ngoại giao, thương mại và nảy sinh nhiều vấn đề an ninh.

rr

Từ năm 1980, mỗi thập kỷ sau lại nóng hơn thập kỷ trước.

Báo cáo Hiện trạng khí hậu do Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ công bố nêu rõ, kể từ năm 1980, mỗi thập kỷ sau lại nóng hơn thập kỷ trước, trong đó thập kỷ 2010- 2019 đã nóng hơn thập kỷ 2000-2009 khoảng 0,2°C và nguyên nhân chính làm cho khí hậu thay đổi là lượng phát thải khí nhà kính vẫn không ngừng tăng, đã lên mức cao kỷ lục là 409,8 phần triệu thể tích.

Hệ quả là 06 năm liên tiếp kể từ 2014 đến nay trở thành những năm nóng nhất, trong đó năm 2019 vừa qua là một trong ba năm nóng nhất (chỉ xếp sau năm 2016 và 2015) kể từ khi nhân loại bắt đầu ghi lại nhiệt độ từ giữa những năm 1800. Mực nước biển dâng cao kỷ lục trong vòng 8 năm liên tiếp. Các dòng sông băng tiếp tục tan chảy ở mức độ rất báo động trong năm thứ 32 liên tiếp. Nhóm nghiên cứu của Đại học Ohio Hoa Kỳ đã công bố báo cáo nghiên cứu dữ liệu vệ tinh 40 năm qua cho thấy, băng ở Greenland đã tan chảy, vượt qua ngưỡng có thể đảo ngược.

Trong thời gian tới, BĐKH sẽ tiếp tục diễn biến khó lường và những tác động bất lợi sẽ ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo công bố cuối năm 2020 của Viện Toàn cầu Mckinsey, do tác động của BĐKH, các nước Đông Nam Á sẽ tổn thất khoảng 8-13% GDP mỗi năm cho đến năm 2050.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ xa và không chỉ là hiện tượng đơn lẻ mà đã là thực tế hiện hữu, tác động toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt, khó lường, thiên tai ngày một gia tăng cả về cường độ cấp độ. Ngập lụt, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt, sạt lở đất mà nguyên nhân một phần do BĐKH cũng liên tục xảy ra đối với các vùng, miền trên cả nước, năm sau nặng nề hơn năm trước.

Việt Nam luôn coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này được thể hiện trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam gửi Ban Thư ký của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Hiện nay, Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đang được cập nhật với những mục tiêu kỳ vọng về giảm phát thải khí nhà kính cao hơn cùng với các mục tiêu đạt phát thải đỉnh và hướng tới phát thải trung hòa các-bon.

Để có căn cứ pháp lý thực hiện các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu. Để quy định chi tiết các hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon và bảo vệ tầng ô-dôn, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm nay.

Theo đó, các quy định về kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo thẩm định (MRV) được quy định rất cụ thể đối với cấp quốc gia, cấp ngành và cấp cơ sở; quy định những nội dung và lộ trình phát triển thị trường các bon. Cùng với Nghị định là danh mục các lĩnh vực và cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm nay.

ff

Biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Việt Nam sớm nhận thấy vai trò của định giá các-bon và tham gia Chương trình Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon (PMR) triển khai Dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020, đến nay đã đạt được nhiều kết quả. Đồng thời chuẩn bị tham gia Chương trình đối tác thực hiện thị trường các-bon (PMI) trong giai đoạn đến năm 2030. Cho đến nay đã có 96/185 quốc gia trong đó có Việt Nam đã đưa áp dụng định giá các-bon để đạt được các mục tiêu trong NDC.

Trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nguồn lực của Chính phủ còn hạn chế, vai trò của khối doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Nhận thấy vấn đề trên, trong thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia vào các cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ song phương và đa phương nhằm tạo các kênh thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ Cơ chế phát triển sạch (CDM), Việt Nam hiện có 257 dự án và 13 chương trình hoạt động. Việt Nam được xếp thứ tư trên thế giới về số lượng dự án CDM được đăng ký. Tổng lượng khí nhà kính giảm nhẹ của 257 dự án CDM vào khoảng 140 triệu tấn CO2 tương đương trong thời kỳ tín dụng.

Từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã phối hợp triển khai Cơ chế tín chỉ chung (JCM) với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải các-bon thấp. Đến nay đã có 14 dự án đi vào hoạt động, với tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính đạt 16.000 tấn CO2 tương đương/năm.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã tham gia một số cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ tự nguyện khác như Tiêu chuẩn vàng, Tiêu chuẩn các-bon được thẩm tra hay Tiêu chuẩn chứng chỉ năng lượng tái tạo. Cụ thể, theo Tiêu chuẩn vàng (GS) có 20 dự án được đăng ký và cấp tín chỉ các-bon. Tổng lượng tín chỉ được ban hành theo GS là 3.300.000 tín chỉ. Theo Tiêu chuẩn các-bon được thẩm tra (VCS) có 17 dự án được đăng ký. Tổng lượng tín chỉ được ban hành theo VCS là 603.000 tín chỉ. Theo Tiêu chuẩn chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) có 4 dự án được đăng ký với tổng cộng 192.000 chứng chỉ được ban hành.

Có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng và kinh nghiệm thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các cơ chế tạo tín chỉ các-bon cũng như trao đổi tín chỉ các-bon với các nước. Để có thể tiếp tục phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp, cũng như tạo thêm các cơ chế khuyến khích sự tham gia của xã hội trong nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng đề án phát triển thị trường các- bon tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2021.

Theo đó, trong giai đoạn tới, hệ thống văn bản pháp lý và cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường các-bon được xây dựng. Doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ tăng cường năng lực, tiếp cận thông tin để có thể sẵn sàng tham gia giao dịch thí điểm thị trường các-bon từ 2025.

Thông qua nghiên cứu kinh nghiệm triển khai thực hiện thị trường các-bon của các nước trên thế giới, Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện các điều kiện cần thiết và triển khai thị trường các-bon trong nước, tiến tới tham gia thị trường các-bon thế giới để góp phần hỗ trợ cho việc thực hiện NDC của Việt Nam.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu và quản lý phát thải các-bon tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714078145 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714078145 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10