Sau khi hàng loạt nhà máy Trung Quốc tại tỉnh Yangon bị người biểu tình đập phá, Bắc Kinh đã lên tiếng kêu gọi quân đội Myanmar thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, Trung Quốc đề nghị quân đội Myanmar trừng phạt thủ phạm theo quy định của pháp luật và đảm bảo sự an toàn của các công ty và nhân viên Trung Quốc tại quốc gia này.
Đồng thời ông Triệu cũng kêu gọi những người biểu tình Myanmar thể hiện mong muốn của mình một cách hợp pháp, tránh bị kích động hoặc lôi kéo, và không làm tổn hại đến mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Tuy nhiên, ông Triệu không cung cấp thông tin về việc liệu Bắc Kinh có kế hoạch sơ tán công dân nước này khỏi Myanmar hay không.
Trước đó, tổng cộng 32 nhà máy ở Yangon có chủ đầu tư đến từ Trung Quốc đã chịu thiệt hại trong đợt tấn công của người biểu tình ở Myanmar. Trong đó, hai công nhân Trung Quốc bị thương. Tổng thiệt hại về tài sản vào khoảng 37,8 triệu USD.
Theo các chuyên gia phân tích chính trị cho biết, Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Myanmar. Ngược lại, Myanmar được đánh giá là mắt xích quan trọng trong việc thực hiện chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cũng như có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Bản thân chính quyền của bà Aung San Suu Kyi cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi cuộc đảo chính nổ ra, Trung Quốc đã rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Một mặt, Bắc Kinh đã sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn cản nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào chính quyền quân sự Myanmar để tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trong nước.
Mặt khác, Bắc Kinh cũng không muốn bị coi là đang can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar hoặc tỏ ra quá thân thiết với chính quyền quân đội của quốc gia này trong bối cảnh thế giới đang lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính.
Điều này thể hiện rõ trong việc soạn thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về khủng hoảng, và một nghị quyết được đưa ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Đối với cả hai văn bản này, giới quan sát cho biết, Bắc Kinh đều cố gắng tìm kiếm ngôn từ phù hợp để tạo sự cân bằng giữa chính quyền quân sự và phong trào ủng hộ chính quyền dân cử, hai phe chính trị lớn đang đối đầu nhau ở Myanmar.
Thậm chí, theo Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hoa Đông chỉ ra, trong cuộc bỏ phiếu về nghị quyết tại Hội đồng Nhân quyền, thay vì công khai phản đối như với các nghị quyết về Myanmar những năm gần đây, Bắc Kinh chọn cách bỏ phiếu trắng.
“Việc cho phép văn bản được đồng thuận thông qua được xem là cách thức để Bắc Kinh truyền thông điệp tới chính quyền quân sự rằng họ không hài lòng với tình hình tại Myanmar”, ông Pang phân tích.
Tuy nhiên, giới quan sát chính trị cũng chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, việc khai thác và đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar đang vấp phải sự phản đối của người dân tại quốc gia này. Nhưng nhờ mối quan hệ giữa chính quyền của bà Aung San Suu Kyi và Bắc Kinh, các dự án đầu tư của Trung Quốc vẫn được tiếp tục tiến hành.
Nhưng, việc người dân biểu tình tấn công các nhà máy Trung Quốc tại Myanmar chính là hồi chuông cảnh báo các dự án do Trung Quốc đầu tư đang phải đối mặt với rủi ro an ninh lớn vào lúc này. Nhiều ý kiến dự đoán, đã đến lúc Bắc Kinh phải hành động thay vì thực hiện những bước đi ngoại giao thận trọng.
Có thể bạn quan tâm
11:26, 15/03/2021
06:20, 15/03/2021
05:17, 14/03/2021
13:58, 12/03/2021
11:00, 10/03/2021
06:35, 10/03/2021
05:27, 10/03/2021
07:15, 09/03/2021
11:00, 09/03/2021
05:00, 09/03/2021