“Bikini đồ mã”: Cùng quẫn của sự lạc hậu

Trương Khắc Trà 25/01/2019 09:16

Xe hơi, nhà lầu, "em út"... và vô số thứ hầm bà lằng có thể gửi sang "thế giới bên kia" nhờ bà hỏa. Cuối cùng là gì?

Lại là một câu chuyện rất…Tết - đốt vàng mã, cứ đến hẹn lại lên dân bàn, quan phán và rồi lại chìm khuất ở đâu đó, chế tài xử phạt hành vi đốt vàng mã đã ban hành, nhưng bị vô hiệu hóa. Vì sao?

Một thống kê không chính thức cho biết, trung bình mỗi năm người Việt chi 5.000 tỷ đồng để đốt vàng mã. Đặt vào bối cảnh của một con tính kinh tế thì đây là “canh bạc” không bao giờ có lãi suất, có chăng chỉ thỏa mãn quan điểm “trần sao âm vậy”.

Người ta có thể kêu ầm lên vì 500 đồng tiền phí ATM nhưng có thể đốt vài trăm ngàn đồng một lúc mà không hề tiếc.

Ở đây, phải chăng có nhầm lẫn giữa sự tôn kính ông bà và những món đồ mã. Dẫu phải thừa nhận “thế giới bên kia” vẫn là ẩn số quá lớn đối khoa học đương đại. Nhưng, những thứ chỉ còn lại tro, than và khói bụi liệu có ý nghĩa gì?

Những bộ đồ mã như thế này đã xuất hiện trong dịp Tết năm nay

Những bộ đồ mã như thế này đã xuất hiện trong dịp Tết năm nay.

Vì vậy, phải giải quyết câu hỏi: Đốt vàng mã có phải là thước đo sự thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên?

Có thể bạn quan tâm

  • “Đạo đức xuống cấp” và triết lý của Bộ trưởng

    “Đạo đức xuống cấp” và triết lý của Bộ trưởng

    05:00, 31/10/2018

  • Đạo đức người thầy lại được “hâm nóng”

    Đạo đức người thầy lại được “hâm nóng”

    05:12, 19/11/2018

Đốt vàng mã là thói quen được du nhập từ bên ngoài vào, trong truyện Kiều của Nguyễn Du có 2 câu: “Ngổn ngang gò đống kéo lên. Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”. Là gì?

Nếu người ta đốt chiếc xe ga bằng giấy mấy triệu đồng sao không đốt cả bằng lái, xăng, nón bảo hiểm, phụ tùng và hầm bà lằng các thứ kèm theo để các cụ có cái vận hành…? Ơ, chả phải trần sao âm vậy?

Logic một cách tự nhiên này đã thấy đốt vàng mã theo quan điểm là sự bế tắc không đầu không đuôi.

Ở góc độ luật pháp, trước đây, Điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định hành vi đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Đến ngày 01/01/2014, Nghị định 75 nêu trên hết hiệu lực thi hành, thay thế bằng Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Trong đó, Nghị định 158 đã bỏ quy định phạt đối với hành vi đốt vàng mã ở nơi công cộng, nhưng vẫn quy định đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng.

Phải chăng, luật pháp, quy định chỉ để cho có? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện hồi giữa năm nay đã trả lời chất vấn tại Quốc hội về tình trạng văn hóa đạo đức xuống cấp.

Theo ông Thiện: “Vấn đề đạo đức lối sống có cái gốc là ở kinh tế” và cho rằng “đây là vấn đề rất khó, rất cấp bách, chúng tôi cũng rất trăn trở nhưng nếu để mình ngành văn hoá hoặc một số ngành loay hoay thế này, kinh phí hiện nay rất là thấp”.

Một lần nữa lại động đến tiền, và không biết cấm đốt vàng mã và để chế tài có tác dụng, thật sự - tiền có phải là mấu chốt?

Dưới lăng kính xã hội học, đốt vàng mã số lượng lớn là hành vi lệch chuẩn, ở chỗ, con người dường như với bớt niềm tin ở thế giới thực tại - trong khi đó chỉ thế giới thực tại mới là nơi chứng nghiệm rõ ràng nhất hoạt động sống của con người.

Con người không hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của chính mình. Chính quan điểm phật giáo cũng cho rằng “đức năng thắng số” kêu gọi con người tu thân, tích đức khi còn ở cõi trần.

Giá trị xã hội bị đảo lộn, người làm ăn chân chính thẳng ngay lại phá sản, còn kẻ buôn gian bán lận lại lên ngôi; sự xu nịnh, ton hót có khắp nơi; danh tiếng được dựng lên bởi những điều tai tiếng, nhưng lạ thay - nó có thể hái ra tiền.

Những tắc trách ở đâu đó khiến đúng thành sai, sai thành đúng, biến không thành có, biến có thành không; người thiếu đạo đức lại vỗ ngực rao giảng đạo lý, người có đạo lý cảm thấy lạc loài…

Thực trạng trên có hay không? Xin dành câu trả lời cho đọc giả, nhưng cho dù bạn không đọc báo, không dùng mạng xã hội, không cần giao thiệp quá nhiều cũng không thể tránh được sự tha hóa trong ý thức, chỉ là mức độ nặng hay nhẹ mà thôi.

Nhưng, hành vi lệch chuẩn trong văn hóa đạo đức lại có nguồn gốc ở chỗ khác. Phải chăng, những diễn biến có chiều hướng xấu trong đời sống xã hội, ngột ngạt môi trường mưu sinh, niềm tin vào giá trị tốt đẹp bị mai một khiến con người níu vấu vào hy vọng ở chỗ khác?

Ở Việt Nam, thờ cúng ông bà là tín ngưỡng tốt đẹp, nó thể hiện triết lý “uống nước nhớ nguồn” nhưng rất tiếc ngày càng nhiều người đặt niềm tin vào những món đồ “gửi” sang thế thế giới bên kia. Những bộ “bikini đồ mã” là một dạng biến tướng tột cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Bikini đồ mã”: Cùng quẫn của sự lạc hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO