Để mở rộng quy mô sản xuất cũng như lan toả thương hiệu, sản phẩm cho doanh nghiệp địa phương, tỉnh Bình Định đang nổ lực xúc tiến tại nhiều thị trường mới trong đó có Canada và Bắc Mỹ.
>>Quy Nhơn - Bình Định sẵn sàng tăng tốc trong năm 2023
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh Bình Định thời gian qua đã triển khai xúc tiến, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai thác các thị trường mới. Trong đó, có các thị trường lớn như Canada và các quốc gia Bắc Mỹ,...
Theo số liệu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Bình Định sang thị trường Bắc Mỹ đạt 569 triệu USD, chiếm tỷ trọng 96% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Châu Mỹ (593 triệu USD) và chiếm 35,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Bình Định (chủ yếu là thị trường Hoa Kỳ và thị trường Canada). Riêng thị trường Canada, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định sang Canada đã tăng gấp 4 lần, từ mức 4,1 triệu USD năm 2018 lên trên 17,2 triệu USD năm 2023, riêng năm 2022 đạt 23,9 triệu USD.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều của Bình Định với Canada ước đạt 18,7 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Bình Định sang thị trường Canada chủ yếu mặt hàng hải sản, gỗ tinh chế nội ngoại thất, sản phẩm may mặc, sản phẩm từ chất dẻo.
Tỉnh Bình định đánh giá các doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm hơn về sản phẩm và năng lực sản xuất của địa phương. Từ đó mở ra cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mở rộng xuất khẩu dựa trên tiềm năng và nền tảng đã, đang khai thác tốt Hiệp định CPTPP.
Ngoài ra, Việt Nam tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các Hiệp định có hiệu lực và lộ trình giảm thuế là cơ hội cho các ngành hàng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới. Đồng thời tạo, động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt tạo sức ép về cạnh tranh tạo động lực doanh nghiệp nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và năng lực.
Ngoài cơ hội, ông Ngô Văn Tổng – Giám đốc Sở Công thương Bình Định cũng nhìn nhận thách thức trong việc đưa sản phẩm địa phương xuất khẩu như giá trị mặt hàng xuất khẩu sang Canada còn khá khiêm tốn, thị phần chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý, chi phí quảng bá thâm nhập thị trường cao, chi phí vận chuyển và logistics cao cũng khiến giá xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh khó cạnh tranh so với các nước láng giềng trong khu vực châu Mỹ.
Ông Tổng cũng cho rằng thị trường các nước CPTPP (trong đó có Canada và Bắc Mỹ) có những tiêu chuẩn phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Đây là trở ngại không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Ngoài ra, đối với các sản phẩm nông sản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn trong việc cải thiện chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh một cách đồng bộ. Sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa xảy ra ngày càng quyết liệt. Hàng nông, lâm, hải sản, may mặc xuất khẩu của Bình Định đang chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ các nước Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan,...”, ông Tổng nói.
Tại một Hội nghị mới đây, ông Nguyễn Quang Trung – Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada cho rằng về quan hệ kinh tế, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á gần một thập kỷ liên tục và hai bên đều nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 10 tỷ USD. Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 tại Việt Nam và cả hai nước hiện là thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại nhiều thuận lợi cho cả hai.
“Bình Định là tỉnh hội tụ nhiều điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi như cảng biển, sân bay, đường quốc lộ, khu công nghiệp Becamex Bình Định... Lĩnh vực hợp tác giáo dục, lao động, du lịch... cũng là lĩnh vực tiềm năng với Canada, trong đó có các tỉnh bang như BC, Alberta,... Vì vậy, các doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Bình Định xem xét tham gia làm hội viên của Hội Doanh nhân Việt Nam-Canada nhằm tìm hiểu và tiến hành đầu tư, làm việc với doanh nghiệp Canada”, ông Trung đề xuất.
Ngoài đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường Canada và thị trường các nước Bắc Mỹ, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng thể hiện mong muốn thu hút đầu tư vào tỉnh nhà thông qua các doanh nghiệp từ thị trường này. Ông Tuấn cũng cho rằng có nhiều phương án để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào địa phương.
Cụ thể, nếu cần các nhà đầu tư có thể xin nhận một khu công nghiệp tự Hội doanh nhân Việt Nam - Canada hoặc là một doanh nghiệp nào đó Canada có thể đầu tư hạ tầng vào mà dành riêng cho các doanh nghiệp ở và hoạt động trong khu, cụm công nghiệp đó. Về phía địa phương, Bình Định tập trung vào công nghiệp hoặc nông nghiệp chế biến, khu đô thị, du lịch, thương mại ven biển, phát triển trung tâm logistics,...
Có thể bạn quan tâm
Bình Định sẽ trở thành trung tâm công nghiệp của vùng
19:25, 04/03/2024
Bình Định: Thu ngân sách từ hoạt động thông quan giảm sâu
01:21, 19/11/2023
Kinh tế đầu tư 2023: Bình Định - Đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng tái định cư
13:09, 25/09/2023
VCCI Đà Nẵng hỗ trợ Bình Định giải quyết ngập lụt đô thị
10:37, 08/05/2023