Kinh tế địa phương

Bình Dương: Tạo giá trị mới từ chuyển đổi số

Thùy Linh 10/10/2024 22:10

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số 10/10, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương tổ chức Lễ công bố các nền tảng chuyển đổi số.​

Các nền tảng chuyển đổi số gồm: Hệ thống phòng họp không giấy tập trung của tỉnh; Hệ thống định danh, xác thực điện tử (SSO) và Trung tâm/Bộ phận xử lý tin giả; Hệ thống an toàn thông tin theo cấp độ.

Nâng cao hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững

Ông Nguyễn Hữu Yên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ, công bố các nền tảng số là dịp để nhìn lại những kết quả đã đạt được và hướng tới những mục tiêu cao hơn trong tương lai. Hiện nay, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý và điều hành giúp nâng cao hiệu quả công việc và tạo ra những giá trị mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Yên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Lễ công bố
Ông Nguyễn Hữu Yên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Lễ công bố

Theo đó, Hệ thống phòng họp không giấy tập trung của tỉnh đã giúp giảm thiểu văn bản hành chính, đẩy nhanh hiệu quả làm việc, tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp lãnh đạo đưa ra quyết định kịp thời và chính xác. Hệ thống đã được triển khai tại một số cơ quan, đơn vị như: Sở Thông tin và Truyền thông, UBND TP. Tân Uyên, UBND huyện Dầu Tiếng mang lại hiệu quả rõ rệt. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng triển khai đến các cơ quan, đơn vị còn lại.

Hệ thống định danh, xác thực điện tử (SSO) giúp bảo vệ danh tính, tài khoản, dữ liệu người dùng trên các hệ thống chuyên ngành. Đây là giải pháp toàn diện cho nhu cầu định danh và xác thực trong thời đại số hóa. Hệ thống này giúp phát triển các dịch vụ trực tuyến, phục vụ Chính quyền điện tử.

Hệ thống an toàn thông tin theo cấp độ sẽ bảo vệ các hệ thống thông tin phù hợp với rủi ro an ninh mạng và vai trò của hệ thống trong hoạt động của tổ chức, ngăn chặn và giảm thiểu các sự cố bảo mật. Việc xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ đảm bảo an toàn thông tin là yêu cầu quan trọng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ phận xử lý tin giả sẽ tiếp nhận phản ánh tin giả, phân loại, xác minh và công bố tin giả, phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận biết và phòng tránh tin giả. Đây là bộ phận đầu mối tiếp nhận phản ánh từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua Hệ thống 1022.

Chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột

Thực hiện kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, năm 2024, với chủ đề “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bình Dương tập trung nâng cao chất lượng chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.

Nghi thức ra mắt ứng dụng Bến Cát Số trên nền tảng Zalo
Nghi thức ra mắt ứng dụng Bến Cát Số trên nền tảng Zalo

Bình Dương tập trung xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập, phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu số tạo tiền đề phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số dựa trên kết quả Đề án 06, gắn với cải cách hành chính và phát triển thành phố thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính quyền và chất lượng dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu đưa Tỉnh Bình Dương phải đạt top 10 trong các tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số.

Về trụ cột chính quyền số, tỉnh Bình Dương phấn đấu đến năm 2025, 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực điện tử; dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công đạt từ 50% trở lên

Về trụ cột phát triển kinh tế số, Bình Dương xác định đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng giao dịch thương mại điện tử; Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ thương mại điện tử đạt từ 50% trở lên.

Đối với trụ cột xã hội số, Bình Dương phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; 100% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có nội dung đào tạo, chương trình đào tạo gắn với chuyển đổi số, công nghệ số, thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bình Dương: Tạo giá trị mới từ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO