Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ...
Bà Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước: Bình Phước đã sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới, bền vững với nhiều mục tiêu, khát vọng, biến tiềm năng thành động lực phát triển, xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh, văn minh.
Với tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ khoa học để Bình Phước sắp xếp, bố trí hiệu quả các không gian phát triển, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai… phù hợp với khả năng cân đối và huy động nguồn lực, phấn đấu xây dựng Bình Phước trở thành “điểm đến hấp dẫn”, cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Quy hoạch có ý nghĩa chiến lược lâu dài, là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Bình Phước thu hút, kêu gọi đầu tư.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 và điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24/10/2024.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị.
Đồng thời, tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Về các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 10%. Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 11%; kinh tế số chiếm 30% trong cơ cấu nền kinh tế. GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Thu ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%. Giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh thành lập mới 15.000 doanh nghiệp…
Đến năm 2050, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thiết lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh với 6.873,56km2; phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước.
Bà Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, để triển khai quy hoạch đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4012/UBND-TH về việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm cung cấp kịp thời những thông tin về quy hoạch; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên của tỉnh, để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển của tỉnh. Thông qua đó để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Bình Phước sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm. Đầu tư mở rộng các khu công nghiệp tập trung; ưu tiên thu hút theo cụm ngành công nghiệp phù hợp. Chú trọng đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác, liên kết vùng bên cạnh tăng cường các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Hiện nay, Bình Phước đã ban hành danh mục các dự án ưu tiên, chính sách ưu đãi đầu tư, đẩy mạnh huy động vốn từ các tập đoàn kinh tế lớn. Bình Phước cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; tạo môi trường pháp lý công bằng, minh bạch; đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp giải quyết nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tiếp tục thực hiện phương châm “4 tốt”, gồm: “hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt” để các nhà đầu tư yên tâm, lựa chọn Bình Phước làm nơi triển khai các công trình, dự án theo đúng tinh thần Bình Phước “là điểm đến hấp dẫn”.