Tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư về NNCNC gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có diện tích đất nông nghiệp lớn, đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, tiêu, cây ăn trái...
Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.
Bình Phước có tổng diện tích tự nhiên hơn 6.800km², trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 85%. Đây là lợi thế lớn để tỉnh phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như điều, cao su, hồ tiêu và các cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, bơ, mít…
Ông Phạm Thụy Luân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết, với vị trí địa lý quan trọng, tiềm năng, lợi thế đa dạng, phong phú và không gian phát triển lớn, Bình Phước xác định nông nghiệp là một trong 03 ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó, tỉnh thu hút nguồn lực xã hội hóa để phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với hình thức tổ chức và kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái và bền vững.
Bình Phước đã tạo được những vùng nguyên liệu lớn, tập trung, vùng sản xuất cao su, điều đứng đầu cả nước. Diện tích cao su 242.588 ha (chiếm 26% diện tích cả nước), diện tích điều 149.520 ha (chiếm 49% diện tích cả nước). Bên cạnh đó, hồ tiêu 12.878 ha, cà phê 14.020 ha, sầu riêng 7.822 ha. Tỉnh đã có 77 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch với diện tích 4.523,84 ha và 9 cơ sở đóng gói.
Bình Phước là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng và xuất khẩu hạt điều. Xuất khẩu hạt điều của tỉnh đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành điều Việt Nam, với khoảng 3,6 tỷ USD năm 2023. Để cây điều tiếp tục là cây công nghiệp chủ lực trong trụ cột kinh tế nông nghiệp của tỉnh thì ngoài duy trì vùng nguyên liệu ổn định, cần tập trung theo hướng tăng năng suất và tính cạnh tranh của cụm ngành.
Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/7/2023 của Tỉnh ủy Bình Phước về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định: Ngành Nông nghiệp chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường, đa giá trị.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nông nghiệp là trụ cột kinh tế thứ hai của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 và sẽ giảm dần trong các giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 3%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 2%/năm. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2025 còn khoảng 17-18% và đến năm 2030 còn khoảng 10-11%.
Quy hoạch xác định ngành nông nghiệp sẽ phát triển với 5 giải pháp cụ thể.
Thứ nhất: Tái cơ cấu mạnh mẽ nhóm ngành, cây trồng, vật nuôi. Phát triển vùng nguyên liệu, cụm ngành, sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm nâng cao hiệu quả. Mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng nông nghiệp nói riêng và toàn ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước nói chung...
Thứ hai: Phát triển nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị sản xuất; gắn kết chặt chẽ sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ. Tổ chức lại sản xuất theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với hợp tác xã và nông dân theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển thị trường nông sản.
Thứ ba: Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; kết nối nông thôn với đô thị; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ. Tiếp tục đầu tư phát triển nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với chất lượng và quy mô ngày càng nâng cao hơn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới, mỗi năm làm thêm khoảng 500km đường giao thông nông thôn. Hoàn thành xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước. Phát triển các khu dân cư tập trung gắn với phát triển nông thôn theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, chuyển dần từ canh tác nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Thứ tư: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, phát triển chăn nuôi theo hướng vùng an toàn dịch bệnh. Triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ ứng dụng trên cơ sở hiệu quả kinh tế; ưu tiên triển khai các đề tài, dự án có tính ứng dụng cao, thiết thực, phù hợp với quy trình canh tác và thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển giao cho sản xuất.
Thứ năm: Đẩy mạnh, phát huy vai trò của hộ sản xuất, các tổ chức kinh tế tập thể, doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp. Phát huy vai trò của các chủ thể trong việc phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Với định hướng chiến lược và các giải pháp cụ thể, ngành nông nghiệp Bình Phước đang đứng trước cơ hội phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong thời gian tới. Cùng với sự quyết tâm và đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Bình Phước sẽ vươn mình trở thành điểm sáng nông nghiệp của cả nước, mang lại sự thịnh vượng cho cộng đồng và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Phương án phát triển các khu sản xuất nông nghiệp tập trung: Tổ chức các khu nông nghiệp tập trung với quy mô lớn ở các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú. Hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đốp và thị xã Bình Long.