Thực tiễn cho thấy Luật Chứng khoán 2019 chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, còn nhiều kẽ hở để các đối tượng lợi dụng khai thác trục lợi.
Đây là chia sẻ của Luật sư Trần Thị Huyền Trang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội với Diễn đàn Doanh nghiệp
Theo các chuyên gia kinh tế, hành vi tăng khống vốn của một số doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán thời gian qua đã gây không ít hệ lụy cho xã hội, gây thiệt hại tài sản của nhà đầu tư… bà đánh giá như thế nào về nhận định này?
Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, kỳ vọng góp phần hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển an toàn, ổn định, bền vững của thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Trong đó, về chào bán chứng khoán, Luật Chứng khoán 2019 đã chuẩn hóa điều kiện, trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán phù hợp cho từng loại chứng khoán; sửa đổi, tách quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng thành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng; quy định chặt chẽ hơn trong trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung quy định gắn chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán…
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian có hiệu lực thi hành, thế nhưng, những thay đổi mang tính đột phá của Luật này vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, còn nhiều kẽ hở để các đối tượng lợi dụng khai thác trục lợi.
Cụ thể ở đây là những vấn đề gì, thưa bà?
Sau khi có Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP ra đời có một số thay đổi đáng kể, như điều kiện niêm yết được áp dụng cho tất cả các sàn giao dịch; điều kiện niêm yết chung là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng Việt Nam trở lên… tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng “kẽ hở” pháp luật để sử dụng thủ đoạn tinh vi bằng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán và tài chính.
Cụ thể, một doanh nghiệp có thể tự tăng vốn mà không cần cổ đông đóng thêm bất kỳ khoản nào, nhằm nâng khống vốn điều lệ để thực hiện hành vi phạm pháp, thu lời bất chính như lừa đảo, thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá, thao túng thị trường chứng khoán… gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thực tế thông qua một số vụ việc thời gian qua cho thấy, dù theo quy định của pháp luật việc tăng vốn phải được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận là công ty đại chúng; đăng ký, lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam - VSD và cuối cùng là niêm yết lên HoSE, tuy nhiên, trước sự tiếp tay của hàng loạt lãnh đạo, cán bộ thuộc UBCKNN, sàn giao dịch, cũng như đơn vị kiểm toán, việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, bán cho các nhà đầu tư, thu lợi bất chính vẫn diễn ra.
Không chỉ có vậy, nếu như giai đoạn trước năm 2011 khi mỗi nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản, nếu muốn giao dịch mua bán cùng lúc, nhà đầu tư phải nhờ người thân mở tài khoản khác; kể từ sau ngày 01/8/2011, khi Thông tư số 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực và sau đó là Thông tư 203/2015/TT-BTC, cho phép một nhà đầu tư được mở nhiều hơn một tài khoản ở các công ty chứng khoán khác nhau, thì việc dịch chuyển tài khoản trở nên dễ dàng hơn...
Vì vậy, tổng số tài khoản được mở không đồng nghĩa với khả năng giao dịch dẫn đến các phiên thị trường biến động rất mạnh… Ngoài ra, vấn đề pháp luật cho phép nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản ở các công ty chứng khoán khác nhau và được phép mua/bán cùng một cổ phiếu trong phiên, dẫn đến hiện trạng “mượn” tên người khác mở tài khoản để sử dụng. Và vấn đề nằm ở các dịch vụ ủy thác quản lý tài khoản (quy định tại Điều 9 Thông tư 74/2011/TT-BTC và Điều 6 Thông tư 203/2015/TT-BTC).
Trước thực tế đã nêu, bà có đề xuất, khuyến nghị gì?
Theo tôi, cần phải sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Chứng khoán 2019 và quy định tại Điều 109 Nghị định 155/2020/NĐ-CP về quy định điều kiện niêm yết cổ phiếu đại chúng lần đầu ra công chứng của công ty cổ phần chặt chẽ hơn.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến điều kiện quy định về mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán. Nhất là khi sau hàng loạt vụ việc thời gian qua, việc điều chỉnh mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán, tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán (từ 120 tỷ trở lên theo 58/2012/NĐ-CP xuống còn 30 tỷ trở lên theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP) sẽ không có ý nghĩa, nếu như không có quy định về quy trình hậu kiểm xác định chính xác số tiền thực tế.
Không chỉ có vậy, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan chức năng đối với việc góp vốn điều lệ tại các doanh nghiệp để ngăn chặn hành vi khai khống, hợp thức hóa vốn.
Đặc biệt, sau hàng loạt vụ việc đã xảy ra thời gian qua, quá trình sửa đổi Luật Chứng khoán, cần phải bổ sung chế tài nghiêm khắc đảm bảo đủ sức răn đe đối với hành vi tiếp tay, thông đồng của cán bộ có thẩm quyền… cùng với đó cần tăng cường kiểm soát việc mở tài khoản, cần gắn trách nhiệm của cá nhân trong việc cho mượn danh tính để mở tài khoản.
Trân trọng cảm ơn bà!