Phát biểu tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khiến xã hội dậy sóng tích cực khi đề xuất cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, trong đó có thủ tục cấp phép xây dựng.
Đây không chỉ đơn thuần là một chỉ đạo điều hành, mà còn là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy tư duy cải cách đang được đẩy lên tầm cao mới, theo hướng phục vụ thay vì quản lý, hành chính hóa.
Từ góc nhìn của người đứng đầu Chính phủ, quan điểm rất rõ ràng: nếu đất đã có quyền sử dụng, đã nằm trong quy hoạch chi tiết về mật độ, chiều cao, cây xanh, khoảng lùi..., thì người dân hoàn toàn có quyền xây dựng mà không cần phải xin phép thêm. Thủ tục xin cấp phép xây dựng trong trường hợp đó trở thành hình thức, thậm chí là trở ngại, cản trở quyền được an cư, vốn là quyền cơ bản của mỗi công dân.
Không cần phải là một chuyên gia, bất kỳ người dân đô thị nào cũng có thể kể ra hàng loạt phiền toái mà họ đã từng đối mặt khi xin giấy phép xây dựng. Thời gian kéo dài, chi phí không chính thức chồng chất, thủ tục lòng vòng, chưa kể tới những rủi ro từ việc bị “vòi vĩnh” bởi những người có quyền thẩm định.
Chỉ đạo của Thủ tướng không dừng lại ở việc cắt bỏ một thủ tục hành chính đơn lẻ. Quan trọng hơn, nó phản ánh một bước ngoặt trong tư duy quản trị quốc gia: chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”. Khi người dân không còn phải “xin” để được xây nhà trên chính mảnh đất của mình, họ cũng không còn ở thế yếu trong mối quan hệ với bộ máy công quyền. Họ trở thành trung tâm, trở thành chủ thể cần được hỗ trợ chứ không phải đối tượng cần được giám sát.
Tư duy này không phải là điều gì mới lạ với các quốc gia phát triển, nơi mà khái niệm “giấy phép xây dựng” từ lâu đã được thay thế bằng “quyền xây dựng” dựa trên các chỉ tiêu quy hoạch đã được công bố công khai. Người dân và nhà thầu có toàn quyền thi công trong phạm vi pháp luật cho phép, và chỉ bị xử phạt nếu vi phạm quy hoạch. Chính điều đó tạo ra một xã hội minh bạch, tiết kiệm thời gian, giảm gánh nặng hành chính và tăng trách nhiệm của cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu.
Việc bỏ giấy phép xây dựng không đồng nghĩa với việc “thả nổi” hoạt động xây dựng. Ngược lại, nó đòi hỏi một cơ chế hậu kiểm mạnh mẽ, nơi mà vai trò của chính quyền cấp xã, phường - những lực lượng “gác cổng” trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Thay vì ngồi “phê duyệt hồ sơ”, họ phải trực tiếp kiểm tra thực địa, đảm bảo công trình xây dựng đúng với quy hoạch đã duyệt. Đây chính là sự chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ “xin - cho” sang “công khai - minh bạch”.
Tuy nhiên, để chỉ đạo của Thủ tướng đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, cần phải có một hệ sinh thái pháp lý và quản lý đi kèm. Trước hết, quy hoạch đô thị phải thực sự chi tiết, rõ ràng, công khai và dễ tiếp cận. Người dân phải biết được mảnh đất của mình được xây tối đa bao nhiêu tầng, chừa bao nhiêu mét với vỉa hè, tỷ lệ cây xanh là bao nhiêu… Chỉ khi có dữ liệu rõ ràng, việc hậu kiểm mới có cơ sở để xử lý vi phạm, và người dân mới yên tâm xây dựng mà không sợ “vướng luật”.
Thứ hai, cần nâng cao trách nhiệm và năng lực của lực lượng kiểm tra tại địa phương. Một trong những lý do khiến việc “xin phép” vẫn còn tồn tại là vì nhiều địa phương chưa đủ năng lực hoặc thiếu công cụ để kiểm tra hậu xây dựng. Sự buông lỏng quản lý, thậm chí là tiếp tay cho vi phạm của một bộ phận cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng… là nguyên nhân trực tiếp khiến trật tự đô thị bị phá vỡ.
Thứ ba, nhà thầu xây dựng cũng cần được đưa vào khuôn khổ trách nhiệm. Như ở các nước phát triển, nhà thầu khi thi công sai quy hoạch có thể bị rút giấy phép hành nghề, thậm chí bị kiện ra tòa. Đây là động lực để các đơn vị xây dựng có ý thức tuân thủ quy định, vừa bảo vệ quyền lợi cho chủ đầu tư, vừa giữ gìn cảnh quan chung.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Bỏ giấy phép xây dựng không phải là buông lỏng quản lý”. Chính vì vậy, việc thực hiện chủ trương này cần có lộ trình rõ ràng, thận trọng nhưng dứt khoát. Ở các khu vực đã quy hoạch bài bản, hạ tầng đầy đủ, dân trí cao hoàn toàn có thể thí điểm bỏ giấy phép xây dựng để đánh giá hiệu quả. Với các địa phương còn lộn xộn, việc cải cách có thể thực hiện song song với tăng cường giám sát và chuẩn hóa quy hoạch.
Rõ ràng, bỏ giấy phép xây dựng là một bước đi táo bạo, đầy trách nhiệm và mang tầm nhìn cải cách. Nó không chỉ đơn thuần là gỡ bỏ một thủ tục hành chính, mà còn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hiện thực hóa Nhà nước kiến tạo, lấy người dân làm trung tâm. Không ai phủ nhận rằng hành chính vẫn cần thiết, nhưng không nên để nó trở thành rào cản. Hành chính cần là công cụ thúc đẩy phát triển, chứ không phải làm nản lòng người dân.
Từ một chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ, đến kỳ vọng cải cách toàn diện trong hệ thống pháp luật xây dựng, đó là quãng đường không ngắn, nhưng cũng không xa nếu quyết tâm đủ lớn. Với sự đồng lòng của người dân, sự ủng hộ của giới chuyên gia và sự kiên định từ Chính phủ, có thể tin rằng “cánh cửa” mang tên “bỏ giấy phép xây dựng” sẽ mở ra cho một mô hình quản trị mới: năng động, hiệu quả và nhân văn hơn.
Mỗi bước cải cách là một bước tiến tới một nhà nước hiện đại, nơi mọi người dân đều có quyền được phát triển, được xây dựng, không chỉ ngôi nhà, mà cả tương lai của chính họ.