Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định số 1408/QĐ-BCT ngày 27/4/2018 đơn giản hóa một loạt các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh.
Đây là lần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh đầu tiên trong năm 2018 và được xem là “cuộc cách mạng lần thứ 3” trong lịch sử của Bộ Công Thương năm 2018 trên 10 lĩnh vực, trong đó có năng lượng, điện, quản lý cạnh tranh, tiêu chuẩn đo lường, xúc tiến thương mại, an toàn thực phẩm và xuất nhập khẩu...Trong đó, nhiều thủ tục đã được đơn giản, nhiều quy định được bãi bỏ, thời gian thực hiện thủ tục cũng được giảm tối đa với mục tiêu duy nhất là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bớt thủ tục và thời gian chờ đợi
Theo quy định của Bộ Công Thương, nhiều hồ sơ, thủ tục sẽ được dỡ bỏ khi DN muốn xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại theo hình thức mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Đơn cử, bãi bỏ thành phần hồ sơ: hình ảnh hàng hóa khuyến mại và hàng hóa dùng để khuyến mại; mẫu vé số dự thưởng đối với chương trình khuyến mại có phát hành vé số dự thưởng. Thay thế Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật bằng Bản sao giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật. Bãi bỏ quy định về việc thông báo yêu cầu thương nhân hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ khi hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Thời gian thực hiện đăng ký khuyến mại sẽ giảm từ 7 ngày làm việc hiện nay xuống 5 ngày làm việc trước khi triển khai hoạt động khuyến mại.
Các hoạt động xác nhận đăng ký, thay đổi, bổ sung tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại ở nước ngoài; xác nhận đăng ký tổ chức và thay đổi bổ sung nội dung đăng ký tổ chức Hội chợ, Triển lãm thương mại tại Việt Nam cũng được cắt giảm mạnh với thời gian đăng ký thực hiện khuyến mại giảm xuống còn 7 ngày thay vì 10 ngày như trước đây.
Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), theo Quyết định 1408/QĐ-BCT, cơ sở kinh doanh thực phẩm muốn được Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (quy định tại Thông tư số 58/2014/TT-BCT) sẽ được bãi bỏ tài liệu trong hồ sơ Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm: Bản sao có xác nhận của cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh thực phẩm.
Tương tự, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm muốn được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm sẽ được bãi bỏ tài liệu trong hồ sơ như: Bản sao có xác nhận của cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, bỏ nội dung “diện tích nhà xưởng”, “hệ thống thông gió”, “hệ thống chiếu sáng’
Đặc biệt, lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK), Bộ đã bãi bỏ thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu (NK) thuốc lá để kinh doanh hàng miễn thuế. Đồng thời, giảm thời hạn thực hiện từ 5 ngày xuống 3 ngày làm việc với thủ tục cấp và cấp lại Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu (XK) và NK thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương.
Với hoạt động cấp Giấy phép gia công XK có yếu tố nước ngoài quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT, bãi bỏ Văn bản xác nhận của Bộ quản lý chuyên ngành. Việc xin ý kiến của Bộ chuyên ngành chuyển từ trách nhiệm của thương nhân sang trách nhiệm trao đổi ý kiến giữa các cơ quan Nhà nước. Đồng thời giảm thời gian thực hiện thủ tục từ 10 ngày làm việc xuống 5 ngày làm việc.
Bộ Công Thương cũng giảm thời gian thực hiện TTHC từ 15 ngày làm việc xuống 10 ngày làm việc với doanh nhân muốn cấp lại, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, nhiều TTHC trong các lĩnh vực khác như quản lý cạnh tranh, kỹ thuật an toàn, kinh doanh rượu, năng lượng, điện, tiêu chuẩn đo lường cũng được cơ quan này cắt giảm mạnh mẽ.
Lộ trình rõ ràng, cụ thể trong cải cách hành chính
Thông tin tại Hội nghị công bố Chỉ số CCHC (ParIndex) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ do Văn phòng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổ chức ngày 2/5/2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, vcông tác đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện đầu tư – kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giai đoạn 2016-2018 của Bộ Công Thương được tiến hành theo lộ trình rõ ràng, cụ thể. Đó là, Quyết định số 4846/QĐ-BCT (ngày 9/12/2016) về Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017; Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018. Và gần đây nhất là Quyết định số 1408/QĐ-BCT (ngày 27/4/2018) về Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC năm 2018 của Bộ Công Thương.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết thêm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC được Bộ Công Thương hết sức coi trọng là công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức. Bộ Công Thương xác định đây là một đầu vào quan trọng để chấn chỉnh hoạt động công chức, công vụ; kịp thời điều chỉnh các quy định hành chính bất hợp lý; tiếp thu các sáng kiến cải cách từ người dân, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, Bộ đã xây dựng nhiều kênh tiếp nhận phản hồi, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua: văn thư, email, Cổng thông tin điện tử… Bộ có hơn 10 đường dây điện thoại nóng về TTHC, về thủ tục xuất nhập khẩu cũng như của các đơn vị chuyên môn khác. Đồng thời, luôn là Bộ đi đầu trong công tác hiện đại hóa dịch vụ công với việc xác định không ứng dụng công nghệ thông tin, thì không có CCCH, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 296 TTHC cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai DVCTT mức độ 2 trở lên; trong đó, có 35 DVCTT mức độ 4, 118 DVCTT mức độ 3 và tất cả 153 DVCTT này đều đã được tích hợp trên Cổng DVCTT của Bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Bộ đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với 06 TTHC ở mức độ 4.
Những cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương đã được ghi nhận: Xếp hạng ParIndex 2017 của Bộ Công Thương đứng thứ 5/19; Năm 2016 là 12/19 và năm 2015 là 18/19
Cũng theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngoài lĩnh vực Xúc tiến thương mại (9 thủ tục); lĩnh vực An toàn thực phẩm (8 thủ tục); lĩnh vực xuất nhập khẩu (7 thủ tục), 7 lĩnh vực khác cũng được cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục lần này gồm có: Lĩnh vực Sở giao dịch hàng hóa (3 thủ tục); Lĩnh vực Tiêu chuẩn đo lường (9 thủ tục); Quản lý cạnh tranh (7 thủ tục); Kỹ thuật an toàn (5 thủ tục); Kinh doanh rượu (2 thủ tục); Năng lượng (3 thủ tục) và Điện (1 thủ tục). |