Với đường biên giới giáp ranh Campuchia, Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh đã triển khai, tăng cường các chốt trên biên giới để kiểm soát người qua lại, kịp thời phát hiện và phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 23/3, Bộ Y tế đã công bố 3 người Việt về từ biên giới Tây Nam mắc dịch bệnh COVID-19. Trong đó 2 ca bệnh COVID-19 là người Việt (ca thứ 117 quê Long An, ca thứ 118 quê An Giang) đều về từ biên giới Tây Nam qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) đã kịp thời được cách ly ngay tại biên giới.
Trong khi đó, lượng người nhập cảnh từ biên giới Tây Nam những ngày qua khá đông, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm qua biên giới. Điều này đặt ra yêu cầu siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn nguồn lây qua tuyến biên giới Tây Nam và miền Trung. Các lực lượng bộ đội biên phòng đang ngày đêm canh giữ nơi đây.
Chia sẻ với phóng viên, Thượng tá Vũ Quang Quân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Chỉ, Bộ Đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết, toàn bộ điểm chốt phải đảm bảo ăn ngủ tại chỗ vì dịch bênh đang diễn biến vô cùng phức tap, không thể biết trước điều gì, phải xác định trực chiến lâu dài.
"Những chiếc lều tạm này chỉ để nghỉ ngơi chốc lát vào ban ngày, khi đêm xuống, tất cả các chiến sĩ đều phải thức để thay ca nhau đi trực", Thượng tá Vũ Quang Quân chia sẻ.
Tại lối mòn, ngay ở cột mộc 175/2, một chiếc lều dã chiến được dựng lên. Sáu chiến sĩ (gồm 4 chiến sĩ biên phòng và hai chiến sĩ dân quân) ăn ngủ tại chỗ, bất chấp cái nắng như đổ lửa 37,38 độ vào ban ngày và cái lạnh giá vào ban đêm.
Thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính tới thời điểm này, có 27 cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng phải dời ngày cưới; 20 trường hợp vợ mới sinh con trong tháng 2 và tháng 3 nhưng không thể về nhà vì thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19…
Để thực hiện nhiệm vụ, 20 quân nhân biên phòng cũng không thể về nhà khi vợ sinh con trong tháng 2 và tháng 3. Bên cạnh đó, một số quân nhân có hoàn cảnh hậu phương éo le như có người thân qua đời, vợ sảy thai… nhưng cũng phải “gác niềm riêng lo việc chung” trong tình hình dịch bệnh căng thẳng và nhiệm vụ cấp bách.