Nghiên cứu - Trao đổi

Bỏ giới hạn khuyến mại 50%: Cởi trói cho thị trường nhưng không buông quản lý

Gia Linh 06/07/2025 15:00

Đề xuất bỏ trần khuyến mại 50% phản ánh một tư duy thể chế mới, để thị trường tự do vận động trong khuôn khổ pháp luật, thay vì bị ràng buộc bởi các giới hạn hành chính thiếu linh hoạt…

Khuyến mại cũng cần được… “tự do”

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 39/2025/TT-BCT quy định hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại (theo trình tự, thủ tục rút gọn).

bo-gioi-han-khuyen-mai-50-coi-troi-cho-thi-truong-nhung-khong-buong-quan-ly-1.jpg
Thông tư số 39/2025/TT-BCT quy định giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 50% giá bán. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 50% giá bán. Đây là quy định được xây dựng nhằm ngăn ngừa hiện tượng phá giá, thao túng thị trường và cạnh tranh không lành mạnh đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 này.

Tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính “trần” khuyến mại này lại đang hạn chế quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và thương mại điện tử phát triển nhanh, nhu cầu tiếp thị linh hoạt và sáng tạo ngày càng lớn. Việc phải xin phép hoặc đối chiếu tỷ lệ khuyến mại theo quy định hành chính khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó, thậm chí phải “lách luật” để tồn tại.

Do đó, VCCI đề xuất bỏ giới hạn khuyến mại 50%, chuyển hoàn toàn sang cơ chế hậu kiểm, tức là không yêu cầu đăng ký, không giới hạn mức khuyến mại, nhưng vẫn giám sát thông qua Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và hệ thống pháp luật chuyên ngành.

Không chỉ là khuyến mại mà là tư duy cải cách

Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, trần 50% là biểu hiện của mô hình điều tiết “tiền kiểm” lạc hậu, vốn không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại.

“Không thể điều tiết khuyến mại bằng mệnh lệnh hành chính. Đó là quyền định đoạt giá của doanh nghiệp. Nếu lo ngại lạm dụng, pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã có đầy đủ công cụ”, ông Hiệp nói, đồng thời phân tích: Luật Cạnh tranh 2018 quy định rõ các hành vi bị cấm như bán dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ, lạm dụng vị trí thống lĩnh để định giá không hợp lý, hay liên kết thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Những hành vi đó có thể bị xử lý bằng các chế tài cụ thể, mà không cần một “trần” cứng khuyến mại.

Tuy nhiên, ông lưu ý nếu bỏ giới hạn, Nhà nước phải xây dựng bộ chỉ số cảnh báo và hệ thống giám sát chủ động. “Không quản từ trước thì phải giám sát sau, không thể buông tay nếu đã cởi trói”, luật sư Hiệp nói.

bo-gioi-han-khuyen-mai-50-coi-troi-cho-thi-truong-nhung-khong-buong-quan-ly-2.jpg
VCCI cho rằng, chính “trần” khuyến mại này đang hạn chế quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và thương mại điện tử phát triển nhanh, nhu cầu tiếp thị linh hoạt và sáng tạo ngày càng lớn. Ảnh minh hoạ

Ở một góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt nhận định, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vốn không có ngân sách truyền thông lớn lại cần khuyến mại sâu như một công cụ sinh tồn và cạnh tranh.

“Giới hạn 50% khuyến mại có thể là “vòng kim cô” với tập đoàn lớn, nhưng lại là “vòng cổ siết chặt” đối với các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, chính họ mới cần không gian linh hoạt nhất”, luật sư Luân nói, đồng thời nhấn mạnh: nếu giữ trần 50%, vô hình trung sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế “đi chui” như dùng thủ thuật giá, tặng kèm, khuyến mãi ngoài hệ thống… Điều này dẫn đến môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, khó kiểm soát.

Theo ông, cơ chế hậu kiểm chỉ thực sự hiệu quả nếu đi kèm ba điều kiện: dữ liệu minh bạch (về thời gian, mức giảm, lý do giảm), người tiêu dùng được trao quyền giám sát (thông qua nền tảng phản ánh, công cụ so sánh giá), và năng lực xử lý nhanh từ cơ quan quản lý thị trường.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cũng cho rằng: việc bỏ giới hạn khuyến mại 50% không đơn thuần là sửa một con số, mà là bước chuyển căn bản trong tư duy điều tiết: từ kiểm soát hành chính sang quản lý bằng pháp quyền.

Nếu vẫn giữ giới hạn trần 50%, Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào quyền định đoạt giá - một yếu tố cốt lõi của thị trường. Quản lý bằng giới hạn là tư duy của nền kinh tế mệnh lệnh. Còn quản lý bằng hậu kiểm, bằng chế tài rõ ràng, là cách thức của nhà nước pháp quyền hiện đại.

Đặc biệt, trong bối cảnh tiêu dùng còn đang khó khăn, việc khuyến mại sâu, linh hoạt là cách để tạo lực cầu, xả tồn kho, và kích hoạt chuỗi cung ứng. Nếu vẫn “gắn khóa” 50% một cách cứng nhắc, thì doanh nghiệp nhỏ không thể bứt lên, thậm chí phải "lách luật" để tồn tại. Điều này vô hình trung làm méo mó thị trường và gây khó cho chính cơ quan quản lý.

Tư duy quản lý khuyến mại không nằm ở con số, mà nằm ở niềm tin vào thị trường, vào năng lực hậu kiểm và vào khả năng đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bỏ giới hạn khuyến mại 50%: Cởi trói cho thị trường nhưng không buông quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO