Bộ GTVT vẫn chưa phê duyệt kiến nghị "cứu" doanh nghiệp hàng không

THY HẰNG 17/06/2021 11:00

Bộ Tài chính cho biết chưa nhận được văn bản đề xuất nào của Bộ GTVT đối với các kiến nghị của doanh nghiệp hàng không liên quan đến hỗ trợ về giảm phí, lệ phí.

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GTVT "chậm chân" trong việc phê duyệt phương án cứu trợ đối với nhóm "kiến nghị giảm khung giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, số lỗ của quý I/2021 của Vietnam Airlines sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, số lỗ của quý I/2021 của Vietnam Airlines sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. 

Trước tình trạng khó khăn của doanh nghiệp hàng không trước 4 đợt sóng Covid-19, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) đã kiến nghị Bộ Tài Chính và Bộ GTVT có những chính sách giảm thuế phí cho các hãng hàng không.

Bất ngờ khi phúc đáp lại VABA, Bộ Tài chính cho biết, đối với nhóm khiến nghị về giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định mức giá, khung giá các dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Trước đó, năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 19/2020/TT -BGTVT ngày 1/9/2020 điều chỉnh hỗ trợ giảm giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không từ ngày 1/3/2020 đến 30/9/2020.

"Từ đó đến nay, ngành hàng không tiếp tục xảy ra 2 đợt dịch Covid - 19 bùng phát khác nhưng đến ngày 4/5/2021, Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản đề xuất nào của Bộ GTVT đối với các kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không liên quan đến hỗ trợ về "giảm phí, lệ phí với một số hoạt động và dịch vụ hàng không (phí sử dụng sân đỗ với máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, phí cất/hạ cánh…". Vì thế, Bộ Tài chính chưa có cơ sở để xem xét, phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ", văn bản Bộ Tài chính nêu rõ.

Về một số lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, "đối với kiến nghị tiếp tục giãn thuế và các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp hàng không, Bộ Tài chính cho biết: "Ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập các nhân và tiền thuê đất. Trong đó, quy định đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong ngành vận tải hàng không được gia hạn nộp thuế và tiên thuê đất trong năm 2021".

Liên quan đến việc giảm 50% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay, tại Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020, Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid -19 có quy định giảm 10% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay đến ngày 30/6/2021.

Về việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, Bộ Tài chính đã báo các Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1048/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 để tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (từ 3.000 lít xuống còn 2.100 lít) từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021.

Về việc bổ sung những tàu bay phục vụ đào tạo hàng không vào danh sách các sản phẩm được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, "thực tế, có phát sinh trường hợp doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không nhập máy bay để phục vụ đào tạo phi công; loại máy bay huấn luyện này không sử dụng cho mục đích dân dụng, hàng hoá, dịch vụ xa xỉ nhưng đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị này để nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với gói hỗ trợ tín dụng, thời hạn trả nợ cho các hãng hàng không, Bộ Tài chính cho biết, tại thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 5/4/2021 quy định về tái cấp vốn tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Vietnam Airlines do ảnh hưởng đại dịch Covid - 19.

"Như vậy, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 486/VPCP-CN, Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ tín dụng, thời hạn trả nợ doanh nghiệp", Bộ Tài chính nêu rõ.

Trước đó, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng không thừa nhận tình hình hiện nay đối với ngành đang rất căng thẳng vì dịch COVID-19. Đường bay trong nước giảm chuyến, nhiều tỉnh thành thông báo tạm dừng khai thác chuyến đi và đến TP HCM. Trong khi đó, đường bay quốc tế vẫn chưa được khơi thông, hầu hết các hãng tiếp tục phải cho "nằm đất" nhiều máy bay hiện đại trong khi vẫn đều đặn trả chi phí thuê mua, bảo dưỡng máy bay.

Dù đã mạnh tay cắt giảm chi phí nhưng nhiều hãng hàng không tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ rất lớn. Mới đây Vietnam Airlines cũng phải rao bán 11 máy bay để bổ sung dòng tiền hoạt động.

hầu hết các hãng tiếp tục phải cho

Hầu hết các hãng tiếp tục phải cho "nằm đất" nhiều máy bay hiện đại trong khi vẫn đều đặn trả chi phí thuê mua, bảo dưỡng máy bay.

Theo VABA, ngành hàng không đã chịu tác động lớn từ 3 đợt bùng phát dịch, đến nay là đợt thứ 4. Nếu năm 2020, VABA thống kê các hãng bay nội địa gánh khoản lỗ trên 18.000 tỉ đồng hoạt động vận tải hàng không thì năm 2021 các hãng vẫn tiếp tục lỗ trên 15.000 tỉ đồng, đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền.

Ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký VABA cho biết, phía VABA cũng kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng trung dài hạn cho các doanh nghiệp hàng không. Hiện Vietnam Airlines đã được duyệt hỗ trợ khoản tín dụng ưu đãi lãi suất. Do đó, VABA cho rằng cần tiếp tục mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không còn lại, trong đó, Vietjet đã đề nghị được vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỉ đồng trong 3 năm 2021 - 2023 bằng lãi suất tái cấp vốn. Bamboo đề nghị vay 5.000 tỉ đồng bằng lãi suất tái cấp vốn và vay lãi suất ưu đãi 5.000 tỉ đồng.

Theo VABA, điều quan trọng nhất vẫn là các hãng cần được vay hỗ trợ lãi suất; tiếp đến là miễn, giảm thuế, phí, như cần được giảm 70% thuế bảo vệ môi trường trong năm 2021; giảm thuế xuất nhập khẩu; giảm 16 loại phí tại cảng hàng không thuộc danh mục phí do Bộ GTVT ban hành, quản lý.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần cho hãng bay tư nhân vay ưu đãi. Qua đó sẽ cứu giúp hàng không vượt qua khó khăn, đóng góp trở lại cho nền kinh tế, vừa bảo đảm đối xử, cạnh tranh công bằng giữa các hãng hàng không.

Có thể bạn quan tâm

  • Cục Hàng không "lăn tăn" đề xuất lập hãng bay của "Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn

    11:00, 14/06/2021

  • Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: 3 kiến nghị, 6 đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không

    05:45, 02/06/2021

  • Thử nghiệm “hộ chiếu sức khỏe điện tử” từ tháng 6 “cứu” du lịch và hàng không?

    11:00, 31/05/2021

  • Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: Ngành vận tải đề xuất giảm sâu để phù hợp thực tiễn

    11:55, 10/06/2021

  • Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 30 khoản đến hết năm 2021

    12:50, 26/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ GTVT vẫn chưa phê duyệt kiến nghị "cứu" doanh nghiệp hàng không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO