Dự kiến ngày 17/2, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, nhiều doanh nghiệp đã có các kiến nghị về pháp lý và nguồn vốn.
>>Khôi phục niềm tin thị trường bất động sản và chứng khoán
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản gồm Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.Invest, IMG, Becamex IDC Bình Dương và các chuyên gia kinh tế, tài chính... sẽ cùng thảo luận với Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, TP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Ngay từ quý III/2022, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu suy thoái sau cú “phanh gấp” trong điều hành chính sách tín dụng và kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu gặp khó khăn. Chỉ trong vòng 6 tháng sau đó, thị trường đã chuyến biến xấu rất nhanh, tiến tới đóng băng hoàn toàn vào quý IV/2022, đẩy hàng loạt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn chưa từng có.
Theo số liệu thống kê, trong năm vừa qua, có tới xấp xỉ 1.200 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng gần 40% so với năm 2021. Đầu năm 2023, "ông lớn" địa ốc sống sót cũng rơi cảnh lao đao.
Tại hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, một ông lớn bất động sản cho biết đang có hơn 100 luật, nghị định, thông tư khác nhau liên quan đến kinh doanh bất động sản với nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Mặc dù, các Bộ ngành thường xuyên có chỉnh sửa nhưng không theo kịp với thực tế.
Chưa kể quy trình phức tạp dẫn đến sự chậm trễ, chồng chéo thực hiện của các cơ quan địa phương. Phía doanh nghiệp mong muốn có sự đánh giá lại, loại bỏ các chồng chéo, hành lang pháp lý thông thoáng hơn để tạo ra kênh đầu tư hiệu quả, tạo nguồn lực cho xã hội.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Phương Lan, Giám đốc Phụ trách tái cấu trúc cho Tập đoàn Novaland cũng cho biết, ách tắc pháp lý dự án phía Nam rất lớn, ví dụ TP HCM mấy nghìn trường hợp, TP Hà Nội chỉ có khoảng 350 trường hợp. Ách tắc pháp lý này chính là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến chi phí sản phẩm bất động sản đến tay người dân rất cao.
>>Chính phủ tiếp tục họp "giải cứu" thị trường bất động sản
Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho biết cả thị trường tài chính lẫn thị trường bất động sản đều biến động. Đối diện với rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cần lúc này là nguồn vốn nhằm khơi thông dòng vốn.
Ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết việc huy động vốn từ trái phiếu là một nguồn tiền rất tốt cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, kênh huy động này đang gặp bế tắc.
Để giải quyết tình trạng khó khăn này, về góc độ doanh nghiệp, ông Khương đề nghị NHNN và các bộ ngành xem xét có phương án để hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại và phát triển tốt thì các trái chủ mới cảm thấy yên tâm đầu tư. Trong đó, đề xuất NHNN nới room cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh và đầu tư.
Theo ông Khương, câu chuyện nằm ở chỗ NHNN nới lỏng room cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư để phát triển bất động sản. Lúc đó, doanh nghiệp mới phát triển lành mạnh và nhà đầu tư trái phiếu mới quay trở lại thị trường. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các trái chủ đang rất lo ngại về việc các doanh nghiệp có tồn tại được hay không, có bán được sản phẩm không,… Do đó, đề xuất NHNN nới lỏng room và cơ cấu lại nhóm nợ.
Trong khi đó, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes cũng cho rằng việc vướng mắc tiếp cận tín dụng của bất động sản còn liên quan đến tài sản đảm bảo khi các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ tài sản bảo đảm trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường. NHNN nên xem xét các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý thì nên duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường trong bối trưởng thị trường đang gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở đó, đề nghị NHNN và các ngân hàng làm rõ các quy định, tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
"Bên cạnh đó, cần bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng. Đồng thời có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư" - Lãnh đạo Vinhomes kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Khôi phục niềm tin thị trường bất động sản và chứng khoán
05:30, 16/02/2023
Tháo gỡ pháp lý bất động sản, khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp
17:00, 15/02/2023
Giảm lãi suất ngân hàng - thị trường bất động sản có khởi sắc?
04:30, 15/02/2023
Mạnh tay “đổi trạng thái” bất động sản
16:25, 14/02/2023