Theo Bộ Tài chính, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng đã tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung.
>>WB: Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng.
Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2 - 2,1% và vẫn nằm trong kịch bản lạm phát đã được báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá (dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,42 - 4,3%).
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
Liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo ở thời điểm hiện tại không xem xét tăng giá đối với những mặt hàng Nhà nước định giá, đặc biệt là các dịch vụ công. Các bộ, ngành chuẩn bị các phương án để xem xét điều chỉnh vào thời điểm thích hợp.
Đối với những mặt hàng Nhà nước không định giá, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt những yếu tố hình thành giá và những trường hợp có dấu hiệu bất thường, những mặt hàng tác động lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Yêu cầu Ngân hàng nhà nước và các bộ ngành điều hành linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, không gây tác động tiêu cực đối với kiểm soát giá.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 3, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước. Xung đột Nga-Ukraine đã làm gia tăng tính bất định về sự phục hồi kinh tế toàn cầu, gây ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát. Cơ quan chức năng nên khuyến khích các nhà xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có để nâng cao khả năng chống chịu của xuất khẩu. Giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn.
>>Những chỉ số "không mong muốn” tác động đến CPI
Liên quan đến giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng, mặt hàng này trong nước đang chịu áp lực lớn về nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng và diễn biến giá thế giới. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung, nhất là nắm bắt dự báo diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, căng thẳng giữa Nga và Ukraine là yếu tố tác động gián tiếp đến kinh tế Việt Nam, khiến nguy cơ nhập khẩu lạm phát tăng cao. “Giá dầu thô và giá lương thực đã tăng rất cao trong năm 2021 và tiếp tục tăng mạnh ngay từ đầu năm nay. Áp lực lớn nhất của Việt Nam trong lúc này chính là việc kiểm soát nhập khẩu lạm phát để tránh gây tác động xấu đến kinh tế vĩ mô” - ông Ánh nói.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, các mục tiêu kinh tế vĩ mô cần linh hoạt thích ứng, có thể theo hướng ưu tiên ổn định vĩ mô trong đó có kiểm soát lạm phát hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hay nói cách khác, có thể phải thay đổi mục tiêu giảm lãi suất bằng việc có thể tăng lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát, hoặc nới mục tiêu lạm phát 4% để phù hợp với diễn biến mới và có cách điều hành tương ứng.
Có thể bạn quan tâm
Những chỉ số "không mong muốn” tác động đến CPI
02:30, 21/03/2022
Những nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 2 tăng
10:30, 28/02/2022
Hệ lụy từ chiến sự Nga-Ukraine (Kỳ I): Nguy cơ lạm phát đình đốn
02:47, 20/03/2022
Chính sách nào hoá giải nỗi lo lạm phát?
04:00, 12/03/2022
Cẩn trọng với lạm phát
04:00, 12/03/2022