Xung quanh đề xuất của Bộ Tài chính về xoá nợ thuế 26.500 tỷ đồng, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi, hiện đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều.
26.500 tỷ đồng này là số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được Bộ Tài chính đề nghị xóa do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2017.
Cái lý của Bộ Tài chính
Thực tế chỉ sau một năm, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến ngày 31/12/2017 tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng. Tiền thuế nợ của chủ doanh nghiệp đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh không có khả năng thu hồi khoảng 35.347 tỷ đồng. Như vậy, số nợ này đã tăng thêm gần 9.000 tỷ đồng.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, các chính sách về thuế hiện tại đã quy định, người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà “không còn tài sản để nộp thuế” thì thuộc trường hợp được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã phát sinh vướng mắc. Bởi vì, không có cơ quan Nhà nước nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết, mất tích còn tài sản hay không.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, nếu khoản nợ thuế đã quá 10 năm, cơ quan thuế đã thực hiện tất cả các biện pháp cưỡng chế nợ thuế thuộc trường hợp được xóa nợ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có trường hơp nào được xóa nợ thuế do không đáp ứng được điều kiện. Với quy định phải áp dụng 7 biện pháp cưỡng chế thuế như: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế, yêu cầu phong toả tài khoản; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập... cơ quan thuế rất khó để áp dụng tất cả các biện pháp. Bởi vì, nhiều doanh nghiệp đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế.
Cần làm gì để xóa nợ?
PGS TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, đề xuất xóa nợ thuế của Bộ Tài chính là bất khả kháng, không thể thu được nữa thì mới đề xuất như vậy. Nếu càng để lâu thì càng ảnh hưởng đến cân đối trong thu chi ngân sách của Nhà nước, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động xã hội.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc miễn giảm thuế hoặc xóa nợ thuế ảnh hưởng đến hầu bao của nền kinh tế, do đó, khi tiến hành việc này phải có những nguyên tắc và tiêu chí hết sức rõ ràng, đồng thời phải có sự thanh, kiểm tra. Vấn đề là làm sao phải có những chuẩn mực và tiêu chí hết sức rõ ràng để tránh chuyện nhóm lợi ích lợi dụng việc xóa nợ thuế hoặc móc nối nhau để miễn trừ, miễn giảm, tạo ra sự không công bằng.
Chính vì vậy, yêu cầu hàng đầu được đặt ra đối với đề nghị xóa nợ thuế của Bộ Tài chính là đảm bảo công khai minh bạch. PGS TS Nguyễn Văn Ngãi - Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP HCM nhận xét, nếu đề xuất này được chấp thuận, điều đó là không công bằng. Thực tế có thể xuất hiện một mối nguy, sẽ có doanh nghiệp tìm cách nợ thuế để đến lúc nào đó được xóa nợ.
Theo PGS Ngãi, nếu giải quyết xóa nợ thuế thì phải công khai minh bạch mọi thông tin, đặc biệt hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp kém do nguyên nhân gì, khách quan hay chủ quan. Đương nhiên là phải đối xử công bằng các thành phần kinh tế. Việc công khai như vậy sẽ giảm tình trạng lời thật lỗ giả, khi công bố doanh nghiệp lỗ bản thân họ sẽ bị hại, vì thế doanh nghiệp sẽ cân nhắc giữa cái hại và số tiền xóa nợ.