Bộ Tài chính: Sẽ giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các tổ chức tín dụng

LÊ MỸ 16/05/2021 04:45

Mảng bán bảo hiểm đang mang lại nguồn thu nhập ngoài lãi lạc quan cho các tổ chức tín dụng, đồng thời kích thích sự phát triển mới cho các công ty bảo hiểm trên thị trường...

Theo đó, nhiều ngân hàng ngày càng chú trọng bắt tay cùng các đối tác chiến lược để khai thác mảng bán chéo sản phẩm dịch vụ bancassurance này.

Vietcombank tham gia thị trường bảo hiểm khá sớm từ năm 2008

Vietcombank tham gia thị trường bảo hiểm khá sớm từ năm 2008 và trong quá trình chuyển hướng chọn đối tác hợp tác, ngân hàng đặt mục tiêu dẫn đầu thị phần bancassurance vào 2025

Hàng loạt các hợp đồng khai thác bảo hiểm mà tổ chức tín dụng là đại lý độc quyền phân phối đã được kí kết trong năm qua. Nổi trội nhất là khoản hợp tác của đại gia bảo hiểm FWD với đại gia ngân hàng Vietcombank, mà hợp đồng này được cho đạt hơn 400 triệu đô để đổi lại cái gật đầu khai thác 15 năm tại một trong những TCTD có dữ liệu khách hàng lớn nhất Việt Nam. Giá trị hợp đồng này có thể lên tới con số khủng khi FWD thực hiện mua lại phần góp vốn từ tay Vietcombank tại liên doanh Vietcombank-Cardif và đã hoàn tất hợp nhất vào hoạt động của mình tại Việt Nam.

VietinBank cũng kịp thời có cú bắt tay kéo dài 16 năm, kể từ 2020, cùng Manulife trong kế hoạch khai thác thị trường và góp phần bảo vệ sức khỏe và ổn định tài chính bền vững cho các cá nhân, gia đình cũng như doanh nghiệp tại Việt Nam, thông qua các giải pháp bảo hiểm nhân thọ, quản lý tài sản và an sinh hưu trí. Ngân hàng đặt mục tiêu thu nhập từ bancassurance ở mức 30-50% trong vòng 5 năm tới. 

ACB trong năm qua, cũng đã đạt được một thỏa thuận hợp tác đáng giá hàng nghìn tỷ đồng với Sun Life, khiến nhà đầu tư vô cùng kỳ vọng khoản phí chào sân hợp tác độc quyền sẽ sớm được ngân hàng ghi nhận, đưa giá trị lợi nhuận của ACB lên cao. Tuy nhiên mới đây ngân hàng này đã có thông tin về việc phân bổ khoản phí này trong 15 năm, đồng nghĩa thu ngoài lãi của ACB sẽ ổn định rất nhiều năm nhưng không có lợi nhuận đột biến. 

Những quà tặng ba lô, thú nhồi bông, nón bảo hiểm... mang thương hiệu SunLife sẵn sàng cho khách hàng mua bảo hiểm tại ACB

Những quà tặng ba lô, thú nhồi bông, nón bảo hiểm... mang thương hiệu SunLife sẵn sàng cho khách hàng mua bảo hiểm tại ACB

Cuộc đua vào thị trường bancassurance với những cú bắt tay giữa các TCTD và các Công ty bảo hiểm ngày càng sôi động, được giới chuyên môn nhìn nhận là một cơ hội cho cả bảo hiểm lẫn ngân hàng trong bối cảnh mới và đặc biệt trong khi thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhu cầu cao, dư địa rộng. Ở phía người dùng, "thượng đế" mua bảo hiểm qua đại lí là các tổ chức tín dụng có lợi hay không? Câu trả lời là có nếu họ có nhu cầu và tự nguyện bởi về mặt lý thuyết, có bảo hiểm, người sử dụng có thêm một phương cách hạ bớt rủi ro cho mình (tùy trên loại hình sản phẩm bảo hiểm mà họ mua). 

Theo thống kê, bancassurance hiện đang đóng góp khoảng 30% tổng doanh thu phí của các công ty bảo hiểm; và chiếm khoảng 70% lãi ròng của các ngân hàng. Sản phẩm bancassurance đã tạo ra sự đột phá tăng trưởng cho các công ty bảo hiểm đồng thời tạo nguồn thu mới đáng kể cho các TCTD.

Thế nhưng ý nghĩa này và trên thực tế có thể không trọn vẹn khi gần đây, không ít người lên tiếng cho rằng ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm.

Quan điểm về vấn đề ngân hàng bán bảo hiểm cũng có nhiều góc nhìn khác nhau. Bộ Tài chính khẳng định đây là quan hệ tự nguyện theo quy định pháp luật, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. 

Có người cho rằng đây là vấn đề "bán bia kèm lạc" mà đôi khi người "mua bia" không muốn trả thêm tiền "lạc" nhưng bất đắc dĩ vẫn phải chịu chi phí nếu muốn "mua được bia". 

Chuyên gia tài chính -ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu hoạt động "bán bia kèm lạc" này không thực sự trên cơ sở tự nguyện của khách hàng thì quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng sẽ bị thay đổi. Bên cạnh đó, nếu chuyên viên ngân hàng tham gia bán bảo hiểm và tích cực chào mời nhưng không được chuẩn bị thông tin, thấu hiểu về sản phẩm bảo hiểm đầy đủ có thể không tư vấn hiệu quả cho khách hàng. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng trên quan hệ thỏa thuận tự nguyện, trong bối cảnh đầy biến động với dịch COVID-19 hiện nay, việc khách hàng mua bảo hiểm đặc biệt trên sản phẩm tài chính, thì sẽ cho mình một cơ hội có người trả nợ thay nếu có khó khăn xảy ra. Vị chuyên gia khuyến nghị đại lý bán bảo hiểm là các TCTD chỉ nên sử dụng ưu đãi lãi suất để tăng sức hấp dẫn cho khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng, không ép khách, được lợi các bên. 

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank khẳng định, trên thế giới, tại các ngân hàng tiên tiến, nguồn thu từ phí bảo hiểm có thể đóng góp dao động 8-40% tổng thu nhập của các ngân hàng. Và việc thúc đẩy bancassurance là một trong những định hướng phù hợp chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng lẫn số hóa hoạt động cung cấp dịch vụ phi truyền thông, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhất là khi các sản phẩm được đa dạng hóa về giải pháp bảo hiểm, chất lượng cũng được nâng cao. Qua đó, vừa giúp ngân hàng tăng thu nhập ngoài lãi, đồng thời hướng tới chuẩn mực chung của thế giới. 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực HDBank -một  ngân hàng trong nhóm các TCTD đang hấp dẫn các đại gia bảo hiểm do vẫn chưa bắt tay cùng đối tác chiến lược nào, khẳng định mảng phát triển dịch vụ của các ngân hàng trong đó có bancassurance, sẽ mang đến thu nhập lớn cho TCTD và lợi ích của thị trường, song hành cùng sự phát triển văn minh của thị trường dịch vụ và mức phát triển thu nhập của người dân.

Về tình trạng một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính mới đây khẳng định ngay khi nhận thông tin phản ánh, Bộ đã có công văn số 14097/BTCQLBH ngày 17/11/2020 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, để kênh phân phối này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn và không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm với các tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên của tổ chức tín dụng tham gia bán bảo hiểm, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp có vi phạm.

Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không quy định cụ thể hoặc giới hạn về các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng. Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng và phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật 12ề kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan. Các doanh nghiệp bảo hiểm ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm với các ngân hàng. Việc quản lý, giám sát đối với nhân viên ngân hàng trực tiếp bán bảo hiểm đảm bảo tuân thủ các quy định theo hợp đồng đại lý bảo hiểm thuộc thẩm quyền của các ngân hàng.

(Bộ Tài Chính)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ Tài chính: Sẽ giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các tổ chức tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO