Quan điểm của Chính phủ là chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm ổ dịch và giãn cách xã hội ở nơi có dịch COVID-19, còn lại sẽ khoanh vùng trong bán kính vừa đủ.
Phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo căn cơ về khoanh vùng, dập nhanh ổ dịch, phong tỏa các khu dân cư liền kề với các bệnh viện là ổ dịch.
Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành y tế tăng cường lực lượng hỗ trợ, tăng cường khả năng xét nghiệm. Còn các địa phương rà soát kỹ các đối tượng đi về từ Đà Nẵng. Về phía địa phương, Đà Nẵng đã ngay lập tức thực hiện giãn cách xã hội.
“Quan điểm của Chính phủ là chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm ổ dịch và giãn cách xã hội ở nơi có dịch, còn lại sẽ khoanh vùng trong bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại, kiểm soát phòng, chống dịch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Người phát ngôn Chính phủ đồng thời khẳng định để các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra bình thường, đảm bảo mục tiêu kép mà Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở.
Để thực hiện mục tiêu này, vừa qua Thủ tướng đã có nhiều cuộc họp đôn đốc về giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương để khơi thông động lực tăng trưởng. 7 tổ công tác của Chính phủ cũng trực tiếp xuống các bộ, ngành, địa phương để nghe vướng mắc về giải ngân vốn, tháo gỡ khó khăn. Nhờ vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức kỷ lục so với 7 tháng qua.
“Chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong bối cảnh dịch bệnh nhưng tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm tiếp tục tháng sau khá hơn tháng trước. Trong khi các nước tăng trưởng âm, Việt Nam dù khó khăn vẫn đạt những chỉ tiêu quan trọng, đó là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị”, Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá lạc quan về Việt Nam. Ngân hàng Thế giới cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn chịu đựng tốt, sẽ là quốc gia đứng thứ 5 về mức tăng trưởng năm 2020, dự kiến đạt 2,8% năm 2020 và quay trở lại mức 6,8% vào năm 2021.
“Tình hình trên đòi hỏi chúng ta hết sức tỉnh táo. Thủ tướng yêu cầu phân tích tình hình, có đối sách kịp thời, hiệu quả để không bị động. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ là không được lùi bước trước khó khăn, thách thức, phải biến thách thức thành cơ hội, kiên định các giải pháp đề ra”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đề cập đến gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, ông Dũng nhấn mạnh “không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách”. Thời kỳ đầu triển khai gói hỗ trợ này phát sinh một số vấn đề nhưng theo ông Dũng đã kịp thời được chấn chỉnh, lấy lại lòng tin của người dân.
Dù đạt nhiều kết quả, kinh tế vĩ mô ổn định, người phát ngôn Chính phủ lưu ý thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá thịt lợn vẫn cao, giải ngân vốn ODA còn chậm, các ngành vận tải, hàng không, dịch vụ, du lịch… còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể và số lao động mất việc làm dự kiến sẽ cao hơn.
“Trên thế giới, dịch diễn biến khó lường, tiếp tục lan với tốc độ cao, kinh tế toàn cầu không mấy khả quan, thậm chí nếu không tốt có thể suy thoái”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Có thể bạn quan tâm
14:49, 03/08/2020
06:15, 03/08/2020
00:13, 03/08/2020
05:00, 03/08/2020