Bộ tưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với ý kiến của các đại biểu về việc phát triển doanh nghiệp khi con số 9 tháng đầu năm số doanh nghiệp ngừng hoạt động và chờ giải thể tăng cao.
Phát biểu tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tình hình phát triển kinh tế xã hội 3 năm qua "nhìn chung là thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối kinh tế lớn được đảm bảo".
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn, bất cập của nền kinh tế, những rủi ro trong thời gian tới. Thứ nhất là chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, giá dầu, chính sách tiền tệ, tỷ giá. Thứ hai là biến đổi khí hậu. Thứ ba là tụt hậu và khoảng cách phát triển. Thứ tư là thách thức từ các hiệp định thương mại tự do. Thứ năm là thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“GDP bình quân đầu người tăng mỗi năm mới có 150 USD, trong hai năm tới phải tăng 800-1000 USD để đạt mục tiêu đề ra là thách thức rất lớn” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết chúng ta cũng đã khắc phục một phần các tồn tại của nền kinh tế nhưng vẫn còn rủi ro, nguy cơ. Trong thời gian tới, vừa phải duy trì, củng cố các thành tựu đã đạt được, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, đưa nền kinh tế phát triển nhanh liên tục... Bộ trưởng đồng tình với các giải pháp mà đại biểu nêu, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phát triển nhanh và bền vững, điều này cần dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Sau 3 năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, các kết quả nổi bật thể hiện trong toàn bộ nền kinh tế, trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có những chuyển biến theo đúng kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ đã nêu là tái cơ cấu còn triển khai chậm và chưa tạo chuyển biến rõ nét, trong thời gian tới phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị, thực hiện quyết liệt hơn.
Có thể bạn quan tâm
10:41, 27/10/2018
09:15, 27/10/2018
09:45, 26/10/2018
Bộ tưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ với ý kiến của các đại biểu về việc phát triển doanh nghiệp khi con số 9 tháng đầu năm số doanh nghiệp ngừng hoạt động và chờ giải thể tăng cao.
Ông lý giải 4 nguyên nhân của tình trạng này do quy luật đào thải; việc tiếp cận các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, lao động của doanh nghiệp còn rất khó khăn. Thứ nữa là do từ tháng 4, chúng ta bước vào rà soát số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, kể cả con số từ vài năm trước nên có thể con số đã cao hơn năm trước. Ngoài ra có doanh nghiệp lập nên để chuộc lợi chính sách, buôn bán hóa đơn.
Hiện nay chúng ta có 702 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, để có thêm khoảng 300 nghìn doanh nghiệp trong 2 năm tới thì phải triển khai các giải pháp như tạo thuận lợi trong tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục...
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiếp cận đất đai, các yếu tố đầu vào của sản xuất" - ông nói.
Hiện có 5,2 triệu hộ kinh doanh, Chính phủ đã có một số giải pháp để các hộ này chuyển sang doanh nghiệp với các chính sách thuế, hóa đơn... Bộ trưởng tin rằng sẽ đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng nêu rõ các kết quả đạt được và các hạn chế lớn. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ xây dựng định hướng mới trong thời gian tới, tiếp tục thu hút FDI nhưng phải có bộ lọc, không thu hút bằng mọi giá với các yêu cầu về công nghệ, môi trường...