Theo NQ của Quốc hội, Bộ TT&TT triển khai xây dựng đề án: “Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ”. Nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với tổ chức và cá nhân tham gia.
Hiện nay, mạng xã hội là một trong những xu hướng truyền thông phát triển nhanh nhất trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, với dân số đông đứng thứ 14 trên thế giới với xấp xỉ 93,6 triệu dân, trong đó tỉ lệ đô thị hóa là 31%, trong những năm gần đây, Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng đã thực sự bùng nổ.
Theo báo cáo mới nhất năm 2018 của tổ chức We are Social, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 55 triệu người, chiếm tỉ lệ 57% dân số. Trong đó lượng người sử dụng mạng xã hội qua điện thoại di động là 50 triệu người. Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong 1 ngày của người sử dụng Việt Nam đạt tương ứng khoảng 7 giờ và 2,5 giờ. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ là 61% và 59%.
Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận trong đời sống xã hội hiện đại, mạng xã hội cũng có những mặt trái. Ở Việt Nam, mạng xã hội phát triển với các tính năng hỗ trợ chia sẻ, kết nối thông tin nhanh khiến cho hành vi nói xấu, bôi nhọ hay tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, YouTube. Rất nhiều thông tin nói xấu, bôi nhọ, phỉ báng gây tổn hại nghiêm trọng uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây tổn hại về kinh tế, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam và gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội. Thực tế các hành vi này vẫn tồn tại trong cuộc sống dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên nhờ các tính năng thông minh của các mạng xã hội như Facebook, YouTube mà tình trạng này trở nên phổ biến hơn.
Các hành vi này thực tế đã được điều chỉnh ở rất nhiều các văn bản khác như Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại điện tử, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin và các văn bản hướng dẫn. Chế tài xử phạt cũng tương đối đầy đủ và thực tế trong thời gian qua, đã có nhiều trường hợp cá nhân bị xử lý vì các hành vi này.
Tuy nhiên, số lượng vụ việc được xử lý theo pháp luật còn rất hạn chế so với thực tế vi phạm, hơn nữa kể cả khi đã bị xử lý thì người bị hại cũng phải chịu các tổn thất nặng nề về mặt vật chất, tinh thần. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy bên cạnh việc điều chỉnh bằng hệ thống các quy định pháp luật thì rất cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm” dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia, tạo sự đồng thuận của cộng đồng mạng cùng chung tay xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, tích cực, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với bối cảnh hiện nay.
Đây cũng là nội dung đã được yêu cầu tại Nghị quyết thông qua kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, trong đó đã nêu rõ “Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam".
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: " Việc nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử dựa trên các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, có tham khảo các quy tắc ứng xử trên môi trường mạng của nhiều nước với quan điểm và mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cung cấp và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, đem lại lợi ích lớn nhất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực trên không gian mạng".
Theo đó, 2 đối tượng tham gia chính là nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ bao gồm: Các tổ chức và cá nhân. Đây là bộ quy tắc khung cơ bản để các cơ quan, tổ chức, hiệp hội có liên quan có thể triển khai xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng mang tính đặc thù, chuyên ngành, phù hợp với các đối tượng điều chỉnh cụ thể. Đây là buổi tọa đàm đầu tiên, sau khi tiếp thu các ý kiến Bộ TT&TT sẽ đưa dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.