Bộ Xây dựng cho biết pháp luật về nhà ở nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, thuê ngắn ngày.
Ban Dân nguyện Quốc hội vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ kiến nghị của cử tri TP.HCM. Theo đó, cử tri TP.HCM cho biết hiện việc quản lý loại hình cho thuê này hết sức khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao.
Theo Bộ Xây dựng, căn cứ quy định tại Điều 6 Luật Nhà ở 2014 thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm là: Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Bên cạnh đó, điều 35 nghị định 99 hướng dẫn Luật nhà ở cũng cấm tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng nhà chung cư.
UBND cấp phường, cấp quận có trách nhiệm xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư. Bộ Xây dựng cũng cho biết hành vi sử dụng nhà ở chung cư vào mục đích cho thuê theo giờ, thuê ngắn ngày sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 3, điều 57, nghị định 139 năm 2017. Cụ thể, phạt tiền từ 250 - 300 triệu đồng với hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; kinh doanh bất động sản không đúng phạm vi được kinh doanh theo quy định.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Xây dựng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có ý kiến gửi UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng chung cư trên địa bàn, xử lý nghiêm việc sử dụng căn hộ vào mục đích không phải để ở.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH quản lý toà nhà Việt (Vietbuilding) khẳng định quy định như vậy là hoàn toàn chính xác xét cả về thực tế và cơ sở pháp lý.
Là đơn vị quản lý toà nhà, ông Tuấn thừa nhận thực tế các căn hộ cho thuê theo giờ, ngắn ngày (homestay) ảnh hưởng khá lớn đến sinh hoạt của cộng đồng cư dân trong các tòa chung cư đó. Bởi lẽ, số lượng cư dân trong chung cư phù hợp với kết cấu thực tế. Các khu có homestay, người ra vào nhiều thì vấn đề an ninh trật tự, vận hành thang máy, vấn đề xã hội phát sinh rất phức tạp.
Ông Tuấn dẫn chứng, nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á cũng cấm hoặc hạn chế việc cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày. Ví dụ, như Thái Lan coi hình thức này là bất hợp pháp, Singapore thì hạn chế, Đài Loan tăng mức phạt nếu việc cho thuê phát sinh ra các vấn đề vi phạm pháp luật...
Ở góc nhìn khác, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết thêm, mô hình này ở một số nước đã có quy định cụ thể để quản lý, chẳng hạn một năm chủ sở hữu được khai thác bao nhiêu thời gian và phải đăng ký với cơ quan chính quyền để nộp thuế. Tạo nguồn thu nhập cho chính các chủ hộ cũng như tăng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch.
Ở Việt Nam, thay vì cấm nhà nước cần đưa vào luật để quản lý cho tốt, tránh các hệ lụy phát sinh và có thể thu được thuế từ những người kinh doanh trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam không phản đối việc Bộ Xây dựng cấm căn hộ cho thuê theo giờ ngắn ngày. Tuy nhiên, ông Đính kiến nghị Bộ nên tìm ra một giải pháp phù hợp nới lỏng một phần quy định này, để kích cầu du lịch sau khi đại dịch Covid-19 đi qua.
Số liệu từ Ban quản trị một số chung cư thương mại tại Hà Nội cho thấy, số căn hộ cho thuê đang chiếm khoảng 30-35%. Trong số này, nhiều căn hộ chỉ cho thuê ngắn ngày, thậm chí là chỉ cho thuê theo giờ, như nhà nghỉ thông thường. |
Có thể bạn quan tâm