Nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump được xem là ổn định khi tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử. Nhưng đằng sau đó là khối nợ hộ gia đình cao kỷ lục.
Các hộ gia đình Mỹ đang nợ số tiền 14.000 tỷ USD, gồm vay mua nhà, đóng học phí, nợ thẻ tín dụng và các dạng nợ khác.
Kích cầu tiêu dùng
Trước thực trạng kinh tế Mỹ đang trên đà suy giảm, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất (PMI giảm mạnh xuống dưới 50 điểm), ông Trump đã nhiều lần kêu gọi FED cắt giảm lãi suất, thậm chí yêu FED duy trì chính sách lãi suất âm để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vốn và kích cầu tiêu dùng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ.
So với mức đỉnh vào năm 2008, nợ của các hộ gia đình ở Mỹ hiện tăng thêm khoảng 1.300 tỷ USD, nhưng con số này chưa tính đến yếu tố lạm phát hay quy mô lớn hơn của nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Dù FED vẫn tỏ vẻ “phớt lờ” kêu gọi của Trump, nhưng kể từ tháng 7/2019 đến nay đã 3 lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần cắt giảm 25 điểm phần trăm lãi suất, trong đó lần cắt giảm lãi suất mới đây nhất vào ngày 30/10 vừa qua xuống 1,5% - 1,75%.
Việc FED cắt giảm lãi suất nhiều lần trong thời gian ngắn cho thấy cơ quan này đang lo ngại về sự bất ổn của kinh tế Mỹ. Quả vậy, trên thực tế, GDP hàng quý của Mỹ đã liên tục sụt giảm trong năm 2019. Nếu như GDP quý 1 đạt mức 3%, thì đến quý 2 chỉ còn 2,1% và tiếp tục giảm xuống mức 1,9% trong quý 3.
Kinh tế suy giảm mạnh khiến các doanh nghiệp lao đao, điển hình là Apple. Trong quý I/2019, doanh thu của Apple trên thị trường smartphone đạt 31,05 tỷ USD, giảm đến 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, việc FED giảm lãi suất để kích cầu tiêu dùng lại làm cho khối nợ hộ gia đình Mỹ ngày một “phình to” khi các gia đình Mỹ đẩy mạnh vay nợ để phục vụ cho hoạt động tiêu dùng.
Mỹ được mệnh danh là “nền kinh tế tiêu dùng”, trong 3 ngày diễn ra lễ Tạ ơn năm 2019, người dân Mỹ đã chi 17 tỷ USD để mua hàng hóa. Đó là chưa kể những ngày lễ lớn như Noel, năm mới.
Nợ và “cơn nghiện” mua sắm được xem là một nét văn hóa tiêu dùng phổ biến ở Mỹ. Tuy nhiên, trong núi nợ 14.000 tỷ USD, các khoản vay thế chấp nhà chiếm phần lớn nhất, 9,44 nghìn tỷ USD. Đây là mối lo thực sự nếu nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 khởi nguồn từ Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 21/08/2019
13:19, 18/03/2019
11:01, 13/03/2019
04:20, 01/11/2018
Cuộc khủng hoảng tài chính do cho vay dưới chuẩn nổ ra ở Mỹ vào tháng 8/2007 và nhanh chóng lan rộng sang các trung tâm tài chính khác như Tokyo, London, Paris… Nguyên nhân chính là tỷ lệ thanh toán chậm tăng tới 36%. Điều đáng nói là vay dưới chuẩn chỉ chiếm 16%, nhưng chiếm tới 50% các khoản vỡ nợ.
Theo báo cáo của FED New York, tỷ lệ nợ quá hạn hiện đang gia tăng mạnh ở Mỹ. Theo đó, khoảng 4,8% dư nợ tiêu dùng bị trễ hạn thanh toán trong quý 3/2019, so với mức 4,4% trong quý 2. Số lượng nợ bị quá hạn là 667 tỷ USD, trong đó có 424 tỷ USD quá hạn từ 90 ngày trở lên.
Đáng chú ý, lãi suất thẻ tín dụng ở Mỹ đang tăng mạnh lên mức 17%- mức cao nhất trong khoảng 25 năm qua, do các ngân hàng chạy đua phát hành thẻ thông qua các chương trình điểm thưởng hấp dẫn.
Trong phiên điều trần vừa qua trước Quốc hội, Chủ tịch FED Powell cho rằng tình trạng trên chưa đáng ngại, bởi tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP của Mỹ hiện mới chỉ ở mức 76%, thấp hơn nhiều so với mức 100% vào năm 2009.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Mỹ và Trung Quốc không sớm giải quyết những bất đồng chiến lược để sớm chấm dứt chiến tranh thương mại, thì kinh tế Mỹ sẽ ngày càng suy giảm mạnh, thậm chí rơi vào tình trạng khủng hoảng như nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo. Điều đó sẽ khiến thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm mạnh, làm cho việc chậm thanh toán nợ sẽ càng trầm trọng hơn, có nguy cơ khiến “bom nợ” hộ gia đình của Mỹ bị nổ tung.