Bóng đá nữ - mặt sau của tấm huy chương

QUANG NHẬT 13/02/2022 05:31

Bao nhiêu là phần thưởng, vinh dự dành cho các em tôi nghĩ xứng đáng nhưng là chưa đủ. Thực sự yêu thương các em hãy tặng các em “chiếc cần câu”.

>>LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Khi phụ nữ đá bóng

Thời gian này, cả ngoài đời, trên truyền thông cũng như mạng xã hội, rộ lên lời bàn tán xôn xao, vui vẻ chúc mừng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên vượt qua vòng loại, góp mặt vào giải đấu danh giá nhất hành tinh World Cup.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam hạnh phúc khi giành vé đi World Cup. Ảnh: AFP

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam hạnh phúc khi giành vé đi World Cup. Ảnh: AFP

Thực sự như lời Thủ tướng nói, họ không còn là đội hình các cô gái vàng mà là “kim cương”. Đúng. Chỉ có là “kim cương” mới vượt qua được bao nhiêu khó khăn trong và ngoài sân cỏ để cháy đỏ hết mình trên mặt cỏ xanh. Chỉ có niềm đam mê, khát khao cháy bỏng cùng ông thầy, y như ông bố, hy sinh hết mình vì các con, như huấn luyện viên Mai Đức Chung, mới có thể có kết quả trong mơ này.

Chân thành chúc mừng ông Mai Đức Chung cùng các em với tất cả sự biết ơn, nể trọng, yêu thương. Xúc động và tự hào khi nhìn các em cười chiến thắng, vui lắm khi thấy lãnh đạo Đảng, nhà nước quan tâm sâu sắc tri ân các em. Đời người không mấy ai có vinh dự được lãnh đạo bắt tay, ân cần hỏi han, chúc mừng như thế.

Có điều tôi boăn khoăn tự hỏi bao người đang hăm hở mê say, đào xới thông tin của “cơn lốc đường biên” Thanh Nhã, tải về các bức ảnh chụp với Văn Toàn khoe lên trang cá nhân. Người thì trầm trồ với vẻ xinh xắn đáng yêu của “hot girl sân cỏ” Trần thị Duyên… liệu trước đây liệu họ có nhớ được tên em nào trong đội tuyển?

Tôi nghĩ là họ không biết hoặc không nhớ. Các em chỉ được biết đến khi các em bước đến vinh quang mang danh dự lớn lao về cho đất mẹ. Còn trước đây và sau này, khi nụ cười và vầng hào quanh chiến thắng nhạt nhòa đi…, tương lai của các em rồi sẽ ra sao?

>>Tiền thưởng cho tuyển thủ nữ và chỉ đạo của Thủ tướng

Việt Nam chưa phải là nước có nền thể thao phát triển và bài bản. Đến các cầu thủ nam khi giải nghệ còn loay hoay chật vật với cuộc sống, nói gì đến các thân gái “liễu yếu đào tơ”. Cầu thủ nam giải nghệ còn có bóng đá phong trào, còn có sân cỏ bình dân, có nơi mà thi đấu. Còn các em, vượt qua các rào cản của gia đình theo đuổi đam mê với trái bóng đã là một thành công lớn lao rồi. Thực tế, nhiều ông bố, bà mẹ cấm con gái chơi bóng, chơi thứ thể thao của đàn ông, đàn bà mà chơi có khi còn bị gọi là… “giặc cái”. Các em đã bước qua thành kiến, rào cản để sống với đam mê, cống hiến hết tuổi trẻ, thanh xuân và sức lực đem niềm vui đến cho người hâm mộ nước nhà.

Bao nhiêu là phần thưởng, vinh dự dành cho các em tôi nghĩ xứng đáng nhưng là chưa đủ. Thực sự yêu thương các em hãy tặng các em “chiếc cần câu”. Tiền thưởng tiêu rồi sẽ hết, giải thưởng xe máy, ô - tô rồi cũng cũ đi. Các em sẽ phải đi tiếp cuộc đời mình với vầng hào quang ở sau lưng và gánh nặng áo cơm, gia đình nơi phía trước.

Đời cầu thủ ngắn lắm, theo với thể thao nói thật là “bạc lắm”. Người hâm mộ ùa lên, nhà tài trợ ùa lên. Có người chỉ để thỏa mãn cảm giác bản thân, có người thì tranh thủ PR cho họ, cho doanh nghiệp của họ. Các bạn trẻ thì đào xới cuộc sống riêng tư của các em phần lớn cũng chỉ để tò mò. Có cả những ông “Lý Thông thời hiện đại”, nhảy ra tranh công để “dây máu ăn phần”.

“Xin đừng hót những lời chim chóc mãi…”, hãy lên lộ trình để các tài năng yên tâm cống hiến hết mình. Các em còn trẻ, còn nhiệt huyết, có thể còn chưa tính đến tương lai. Khi qua tuổi ba mươi, sự nghiệp thể thao đỉnh cao sẽ đào thải thì các em sẽ làm gì? Trong khi hiện tại các em sống với trái bóng phần lớn với tình yêu sân cỏ. Tích lũy được gì khi chế độ đãi ngộ lương bổng có em chưa đến ba trăm đô một tháng.

Chỉ có lộ trình đón sẵn các doanh nghiệp thay vì tài trợ cùng phần thưởng lớn ngay và luôn bây giờ sẽ là hợp đồng nhận vào làm việc phụ trách mảng văn hóa thể thao. Em nào yêu thích sân cỏ theo học các khóa trọng tài… Các đơn vị quản lý thể thao địa phương tri ân bằng cách sắp xếp công việc phù hợp năng lực. Có như vậy lứa kế cận sẽ yên tâm, cha mẹ cũng không còn cấm cản để lứa sau được thỏa sức đam mê.

Thay vì xuýt xoa khen các em xinh, hãy chọn các em làm đại diện cho hãng đồ thể thao, sản phẩm dành cho sức khỏe nào đấy, bởi “có thực với vực được đạo”. Trách nhiệm này dành cho các nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam. Người nắm giữ mặt sau những tấm huy chương của các em.

Điều tôi thấy vui nhất là là tin trường đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc Gia TP HCM ra thông báo sẽ ưu tiên xét tuyển thẳng đối với thành viên đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia. Sẽ càng vui hơn nếu các doanh nghiệp yêu thương đội bóng sẽ tài trợ học phí cho các em nữa. Nếu được vậy, tôi tin rằng người ta sẽ phải cân nhắc khi nói câu “thể thao mình bạc lắm”.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Quốc hội: Lan tỏa năng lượng tích cực từ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam

    18:25, 11/02/2022

  • Tiền thưởng cho tuyển thủ nữ và chỉ đạo của Thủ tướng

    11:00, 11/02/2022

  • LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Khi phụ nữ đá bóng

    05:30, 12/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bóng đá nữ - mặt sau của tấm huy chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO