Với khoản đầu tư đáng kể và chiến lược M&A, công ty công nghệ giáo dục BrightCHAMPS mới đây đã đặt mục tiêu lớn cho những tham vọng của mình tại Việt Nam.
Dấu chân thâm nhập Việt Nam
BrightCHAMPS, một công ty toàn cầu cung cấp các lớp học kỹ năng sống trực tuyến, ngoại tuyến và kết hợp được chứng nhận STEM, đã hoàn tất việc mua lại nền tảng truyền thông tiếng Anh Schola có trụ sở tại Việt Nam với số tiền không được tiết lộ.
Thỏa thuận này được công bố lần đầu vào tháng 8 năm 2022. Tuy nhiên, đến nay mọi thứ mới được hoàn tất. Sau thỏa thuận, Schola được đổi tên thành BrightCHAMPS Việt Nam.
Trước đó, Schola có bốn trung tâm học ngoại tuyến và kết hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với hàng nghìn học viên tham gia các lớp học trực tuyến 1:1 về giao tiếp tiếng Anh. Sau khi mua lại Schola, BrightCHAMPS Vietnam đặt mục tiêu vận hành 20 trung tâm ngoại tuyến vào tháng 5 năm 2026, 10 trung tâm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo BrightCHAMPS Việt Nam, công ty sẽ dành khoản tiền 10 triệu USD để thành lập các trung tâm này và tuyển dụng cũng như đào tạo đội ngũ nhân viên trong nước và quốc tế theo các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu.
Ngoài ra, công ty sẽ đầu tư mạnh vào việc hợp tác với các tổ chức giáo dục địa phương và các cơ quan chính phủ để tích hợp các kỹ năng sẵn sàng cho tương lai vào khuôn khổ giáo dục hiện có.
Công ty edtech này cũng sẽ cung cấp học bổng cho những sinh viên tại Việt Nam. Học sinh và phụ huynh của Schola giờ đây sẽ có quyền truy cập vào nhóm giáo viên toàn cầu của BrightCHAMPS trên hơn 30 khu vực địa lý, bao gồm Mỹ, Úc, Vương quốc Anh và Canada.
Dự án này cũng sẽ thúc đẩy nhiều sự hợp tác chất lượng cao hơn, chẳng hạn như quan hệ đối tác gần đây của tổ chức toàn cầu này với Harvard Business Publishing Education, để cho phép nhiều sinh viên hơn có thể tiếp cận các khóa học của Harvard ManageMentor mà không phải trả thêm chi phí.
Hiện nay, Việt Nam là thị trường toàn cầu lớn thứ hai của BrightCHAMPS và một nhân tố quan trọng trong mục tiêu của công ty là trở thành tổ chức giáo dục đồng giảng dạy lớn nhất thế giới vào năm 2027. Tuy nhiên, tham vọng của họ có thể sẽ gặp nhiều thách thức vì những cạnh tranh khốc liệt bởi bối cảnh thị trường edtech Việt Nam.
Thị trường edtech Việt Nam: Màu mỡ nhưng nhiều cạnh tranh
Thị trường edtech (công nghệ giáo dục) của Việt Nam đã chứng kiến một quỹ đạo tăng trưởng đáng kể trong những năm qua. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 44,3%, thị trường này nằm trong số 10 thị trường giáo dục trực tuyến phát triển nhanh nhất trên toàn cầu vào năm 2019. Theo IMARC, edtech tại Việt Nam có khả năng sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm (CAGR) là 13,50% từ năm 2024 đến năm 2032.
Sự tăng trưởng nhanh chóng này là minh chứng cho nhu cầu ngày càng tăng đối với giáo dục trực tuyến tại Việt Nam. Các yếu tố như khả năng truy cập internet, sự gia tăng của các thiết bị di động và sự chú trọng ngày càng tăng vào việc học kỹ thuật số đã góp phần vào sự gia tăng trong việc áp dụng giáo dục trực tuyến.
Đối với Việt Nam, đầu tư cho giáo dục và đào tạo luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Do đó, nguồn lực đáng kể từ ngân sách nhà nước được phân bổ cho lĩnh vực này, đảm bảo hỗ trợ cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo Sách trắng EdTech Việt Nam 2024, hiện tại đang có gần 70 quỹ đầu tư hiện đang hoạt động tại Việt Nam, không tính các quỹ đầu tư nước ngoài. Năm 2023, khoảng 200 triệu USD đã được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp edtech, bao gồm EQuest, Elsa, Vuihoc, Teky, MindX và một số công ty khác.
Cùng với đó là khoảng 750 công ty edtech đang hoạt động tại Việt Nam, cung cấp nhiều loại phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Các doanh nghiệp nhà nước cũng tham gia vào phân khúc nền tảng học tập và hệ thống quản lý K-12, bao gồm Viettel, VNPT và Mobifone, với các nền tảng tương ứng của họ.
Bên cạnh đó, các sản phẩm edtech của Việt Nam trải rộng trên nhiều phân khúc, chủ yếu là về học ngôn ngữ và giáo dục K-12. Giáo dục STEM đã triển khai khoảng 88.529 bài học STEM trong các năm học 2021-2022 và 2022-2023, bắt đầu từ các trường tiểu học.
Theo các nhà phân tích trong ngành, mặc dù có nhiều cơ hội tăng trưởng, nhưng các công ty công nghệ toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại Việt Nam.
Trong khi mức độ mở rộng cao trên thị trường công nghệ giáo dục không đảm bảo lợi nhuận cho các công ty. Khởi nghiệp trong giáo dục là một câu chuyện dài kỳ và “khó nhai” nhất, khái niệm “siêu tăng trưởng” dường như không tồn tại trong ngành này. Người chơi phải chuẩn bị trong ít nhất 5 năm để thấy sản phẩm, thị trường phù hợp. Nhưng, với các quỹ đầu tư mạo hiểm, họ không có thời gian vì áp lực lợi nhuận luôn đè nặng.
Bên cạnh đó, lượng người dùng lớn trên các nền tảng này không tự động chuyển thành lượng khách hàng trả tiền vì quá trình chuyển đổi từ mô hình ngoại tuyến sang trực tuyến vẫn đang diễn ra chậm ở Việt Nam.
Do đó, edtech tại Việt Nam cần thiết kế các chiến lược toàn diện để thúc đẩy sự phát triển và vượt qua những thách thức này. Theo các nhà phân tích, điều này có thể bao gồm việc giới thiệu các sản phẩm mang tính cách mạng đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dùng và tập trung vào việc thiết lập các mô hình doanh thu bền vững.
Nhìn chung, vẫn còn quá sớm để khẳng định BrightCHAMPS có thể gặt hái thành công một cách dễ dàng tại Việt Nam.