Sự bùng nổ đầu tư vào các dự án điện mặt trời đang tạo ra lo ngại về nguy cơ quá tải lưới điện truyền tải khi số dự án này đưa vào vận hành.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), sau hơn 1 năm triển khai, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Thông tư 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời đã tạo được "cú hích" cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
11:25, 20/10/2018
18:36, 03/12/2018
16:19, 07/10/2018
Đến hết tháng 9 có 332 dự án điện mặt trời đã và đang chờ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện. Trong đó, 121 dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Trong số này 25 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 70 dự án thẩm định thiết kế cơ sở.
Như vậy, tổng công suất đăng ký đầu tư loại hình này đã lên tới 26.000 MW, chiếm khoảng 60% tổng công suất các nguồn điện cả nước (hơn 47.000 MW). Con số này cũng vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời 850 MW và tăng lên 4.000 MW vào năm 2025.
Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN, nguy cơ thiếu điện sau năm 2020 là hiện hữu khi cả nước không có nguồn khai thác mới, trong khi tăng trưởng điện luôn đạt 10%. Do đó, đẩy mạnh điện mặt trời là giải pháp căn cơ giảm áp lực cho ngành điện.
Các chuyên gia cho rằng, Quyết định 11/2017 của Thủ tướng về tăng giá điện mặt trời lên 9,35 cent (khoảng 2.086 đồng) một kWh có hiệu lực từ 1/6/2017 đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng này. Tuy nhiên, ngoài chạy đua có được dự án trước tháng 6/2019 để được hưởng giá tốt, sự bùng nổ đầu tư vào điện mặt trời cũng đang tạo ra lo ngại về nguy cơ quá tải lưới điện truyền tải khi số dự án này đưa vào vận hành.
Ông Vũ Ngọc Đức - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, Quyết định 11 đem đến bức tranh mới mẻ về điện mặt trời, song còn nhiều tồn tại khi các dự án tập trung chủ yếu tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk... dẫn tới quá tải hệ thống điện hiện có. Bởi, không phải cứ nhìn thấy đường dây truyền tải điện là có thể đấu nối dự án điện mặt trời, bởi điều này phụ thuộc rất lớn vào công suất hiện hữu của đường truyền tải.
Tuy đã tạo được tín hiệu đáng mừng nhưng việc triển khai các dự án điện mặt trời cũng đang gặp một số vướng mắc về quy trình đấu nối; mâu thuẫn với quy định về thuế trong việc bán lại sản lượng điện dư của các dự án điện mặt trời áp mái; các chứng nhận về inverter...
Ông Toby Couture, chuyên gia năng lượng tái tạo của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (Giz) cho rằng, đang có sự bùng nổ đầu tư của các dự án điện mặt trời, nhưng không tốt chút nào. Cơ quan có thẩm quyền nên đưa ra khuôn khổ dự báo mang tính cân bằng, thay vì để thị trường phát triển quá nóng và sau đó bùng nổ.
Nhóm tư vấn Giz đưa ra một tính toán về giá FiT (Feed in Tariffs - giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp hoặc bán cho lưới điện) phân chia theo vùng bức xạ nhiệt. Chẳng hạn, ở thời điểm tháng 7/2019, giá FiT cho một dự án điện mặt trời quy mô 50 MW của Việt Nam sẽ ở mức hơn 7 cent một kWh ở vùng có bức xạ nhiệt lớn nhất như Bình Thuận, Ninh Thuận. Còn tại các vùng có bức xạ thấp, giá FiT khoảng 8,7- 9,45 cent một kWh. Mức giá ở vùng có bức xạ nhiệt lớn cũng sẽ giảm còn 5,78-6,28 cent một kWh vào tháng 7/2020 và xuống còn khoảng 5,5 cent vào tháng 7/2021.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xem xét trình Chính phủ sửa đổi cơ chế giá FIT áp dụng sau tháng 6/2019; cơ chế đấu thầu riêng, hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện mặt trời. Đồng thời, trình Chính phủ xem xét điều chỉnh những vấn đề liên quan đến thuế cho các dự án điện mặt trời lắp mái.
Với mục tiêu phát triển điện mặt trời đạt 1GWp vào năm 2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2068/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.