Việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi năng lượng đã thúc đẩy nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Đông Nam Á và Ấn Độ.
Nhiều lô hàng LNG đang được chuyển hướng đến Ấn Độ và Đông Nam Á hơn khi nhiệt độ trong khu vực tăng cao và xu hướng giảm phát thải carbon thúc đẩy nhu cầu về các loại nhiên liệu rẻ hơn, ít phát thải hơn.
Dữ liệu từ LSEG cho thấy lưu lượng LNG thương mại đến Ấn Độ và các nước Nam Á khác đã tăng 9% lên 33,27 triệu tấn vào năm 2023. Con số này cũng đang trên đà tăng vào năm 2024, từ tháng 1 đến tháng 7 ước tính đạt 23,06 triệu tấn LNG.
Lượng hàng hóa chảy vào Nam Á trong tháng 7 đạt 3,51 triệu tấn, vượt qua các lô hàng đến châu Âu theo tháng, lần đầu tiên kể từ mùa thu năm 2021.
Trong khi đó, lưu lượng LNG thương mại đến Đông Nam Á tăng vọt 26% vào năm 2023 lên mức kỷ lục 25,68 triệu tấn. Trong năm 2024, con số từ tháng 1 đến tháng 7 đã tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,96 triệu tấn.
Giới quan sát nhận định, nhu cầu LNG của châu Á đang tăng lên một phần do giá LNG tương đối thấp. Theo LSEG, giá LNG giao ngay hàng tuần ở châu Á trung bình ở mức 35 USD/mmBTu (một triệu đơn vị nhiệt Anh) vào năm 2022. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 14 USD/mmBTu vào năm 2023 và xuống còn khoảng 11 USD/mmBTu vào đầu tháng 8/2024.
Mặc dù đến nay giá LNG đã tăng nhẹ lên 12,90 USD, nhưng vẫn thấp hơn so với mức trước khi Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine vào năm 2021. Nhưng các hộ gia đình và chính phủ ở Ấn Độ và Đông Nam Á thường nhạy cảm hơn với biến động giá so với các nền kinh tế phát triển.
Nhiệt độ tăng cao cũng góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí. Một số khu vực của thủ đô New Delhi, Ấn Độ đạt mức kỷ lục 52,9 độ C vào cuối tháng 5. Thủ đô Manila của Philippines và một số khu vực miền trung Myanmar cũng đạt mức nhiệt cao kỷ lục vào cuối tháng 4 so với cùng kỳ các năm trước.
Việc thúc đẩy quá trình khử cacbon cũng đóng vai trò thúc đẩy nhu cầu LNG tăng cao. Khí LNG chỉ tạo ra khoảng một nửa lượng khí thải nhà kính so với than và được coi là nhiên liệu quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, than chiếm 45% nguồn cung cấp năng lượng của Ấn Độ vào năm 2021, trong khi khí LNG chỉ chiếm 6%. Việt Nam phụ thuộc vào than khi chiếm khoảng 49%, Philippines và Indonesia chiếm khoảng 30%.
Nhưng Malaysia và Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 lần lượt vào các năm 2060, 2065 và 2070. Các quốc gia này đang chuyển sang khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo để đạt được tiến bộ trong việc đạt mục tiêu phát thải, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Trong khi đó, khối lượng LNG đến châu Âu đã giảm 24%, xuống còn 32,28 triệu tấn trong giai đoạn nửa đầu năm 2024.
Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) dự báo nhu cầu LNG toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 1.345 tỷ mét khối năm 2022 lên 5.360 tỷ mét khối vào năm 2050. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được cho là sẽ thúc đẩy hơn một nửa mức tăng này.
Trong đó, nhu cầu LNG của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mạnh nhất, với 315 tỷ mét khối. Tiếp đến là khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 2,2 lần và Ấn Độ tăng 3,5 lần.
Một số quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Malaysia và Indonesia, tự sản xuất khí LNG. Tuy nhiên, Đông Nam Á được dự báo sẽ trở thành khu vực nhập khẩu khí đốt ròng vào khoảng năm 2028-2029, do sản lượng khí đốt trong nước tại các quốc gia đang giảm hoặc không đáp ứng được nhu cầu tăng cao.
Nhu cầu LNG tại Nhật Bản, hiện là nước nhập khẩu LNG hàng đầu, dự kiến sẽ giảm 42% vào năm 2050 trong bối cảnh dân số giảm, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và dịch chuyển sang năng lượng hạt nhân.
"Sự hiện diện của Ấn Độ và Đông Nam Á trên thị trường LNG sẽ tăng lên, tác động mạnh đến giá LNG thế giới", ông Shirakawa, chuyên gia của JOGMEC nhận định.