Cửa hàng truyền thống kết hợp thương mại điện tử sẽ là một xu hướng tất yếu, nhất là sau một thời gian dài các hoạt động đều gián đoạn do dịch bệnh.
>>Tập đoàn bán lẻ 118 tuổi JC Penney phá sản: Sai lầm của những cửa hàng truyền thống
Khi Eobuwie mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở thành phố Zielona Góra, Ba Lan, hãng đã chọn cách thiết kế cửa hàng rất ngược đời: không hề có một đôi giầy nào được trưng bầy.
Thiết kế táo bạo
Cửa hàng có một căn phòng “tiếp tân” được thiết kế theo hơi hướng Apple Store lai khu văn phòng WeWork: đặt giữa cửa hàng là những cái bàn dài với những chiếc máy tính bảng có kích thước màn hình lớn, trong khi những chiếc ghế sofa hiện đại được đặt dọc sát các vách tường - phía trước ghế cũng có màn hình LED (không như chuỗi Designer Shoe Warehouse: vừa bước vào cửa là giầy ngập tràn).
Khi vào cửa hàng, khách sẽ tiến tới một chiếc màn hình và chọn một hoặc nhiều mẫu giày - chẳng khác gì chọn trên điện thoại, có chăng là màn hình ở đây lớn hơn điện thoại ở nhà.
Điểm ăn tiền nằm ở chỗ khách chọn giày xong là được trực tiếp thử luôn giày. Phía sau phòng “tiếp tân” là một căn phòng khác, trong đó là một hệ thống tinh vi gồm những kệ giày với khoảng 110.000 đôi từ 450 nhãn hàng- hệ thống này tích hợp cơ cấu lấy hàng và băng chuyền kĩ thuật số. Sau khi khách chọn xong, hệ thống sẽ lấy ra các mẫu được chọn để nhân viên cửa hàng mang ra cho khách thử. Toàn bộ quá trình từ lúc khách chọn giày đến lúc khách nhận giày để thử mất chưa đầy 30 giây.
Theo ông Alastair Kean - Giám đốc Phát triển của hãng thiết kế Dalziel & Pow, đơn vị đứng sau phong cách cửa hàng Eobuwie, việc tích hợp những ưu điểm của mua hàng trực tuyến vào cửa hàng trực tiếp là một trong những cách kéo khách trở lại các cửa hàng.
“Tất cả lựa chọn vẫn bày ra trước mắt bạn, bạn dễ dàng vuốt chạm để chọn mà không phải đi lòng vòng giữa các kệ giày- giống như khi ở nhà, đồng thời bạn có thể thử giày ngay sau khi chọn- điều chỉ xảy ra khi bạn đích thân đến cửa hàng”, ông Alastair Kean cho biết.
Ngoài Eobuwie, Dalziel & Pow cũng đã thực hiện các dự án tương tự cho các nhãn hàng khác, như hãng thời trang thể thao Lululemon và thương hiệu rượu whisky Scotland Johnnie Walker, với tôn chỉ xóa nhòa ranh giới giữa cửa hàng truyền thống và thương mại điện tử.
Hình mẫu bán hàng toàn diện
Hiện tại, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn hướng tới sự linh hoạt trong quá trình giao dịch với người tiêu dùng theo kiểu “khách chọn kênh nào thì hãng sẽ đáp ứng theo kênh đó”, đồng thời cho đó là cung cách phục vụ toàn diện.
Tuy nhiên, với bà Lara Marrero, Trưởng Bộ phận Thiết kế Bán lẻ Toàn cầu của Gensler (đơn vị đã hợp tác với các doanh nghiệp lớn từ A (hãng giày Adidas) đến Z (hãng thời trang Zara), các doanh nghiệp nên đồng nhất trải nghiệm khách hàng trên mọi kênh, thay vì tách bạch riêng rẽ từng kênh. “Chúng tôi đã tìm hiểu rất lâu về sự so sánh giữa cửa hàng truyền thống và thương mại điện tử, để rồi nhận ra rằng giữa chúng không nên có sự so sánh, mà là sự kết hợp, vì nó sẽ giúp người tiêu dùng trải nghiệm thương hiệu mọi lúc mọi nơi khi họ cần”, bà Lara Marrero chia sẻ.
Trên thực tế, Amazon cũng đang nhập môn xu hướng mới này: tập đoàn vừa thông báo sẽ khai trương cửa hàng thời trang bán lẻ đầu tiên có tên là Amazon Style. Gian trưng bày của Amazon Style dự kiến sẽ chỉ để 1- 2 mẫu cho mỗi loại sản phẩm để khách ngắm nghía. Đến lúc thử đồ, khách sẽ tìm trong ứng dụng để chọn cỡ phù hợp; sản phẩm được chọn sẽ được chuyển ra từ một khu kho khổng lồ nằm tách biệt gian trưng bày và đưa thẳng đến phòng thử, nơi khách đã chờ sẵn. Chưa hết, khách có thể quét mã QR trên các sản phẩm để biết thêm thông tin, hoặc để nhân viên mang cỡ phù hợp hơn nếu chưa vừa.
Mô hình của Amazon Style được Mark Landini, Giám đốc Sáng tạo của hãng thiết kế Landini Associates (Úc) đánh giá cao. Ông nhận định rằng các doanh nghiệp và các đơn vị thiết kế cửa hàng cần tham khảo chiến lược của Amazon, nếu không thì Amazon Style sẽ đẩy các trung tâm mua sắm truyền thống vào ngõ cụt.
Thêm vào đó, các cửa hàng truyền thống có thể áp dụng cách thanh toán của thương mại điện tử. Chẳng hạn, Levi’s hay Nike đã tạo ra ứng dụng điện thoại của riêng mình; khách hàng chỉ cần tải ứng dụng về, nhập thông tin thẻ tín dụng vào, và khi mua hàng thì quét mã vạch - hệ thống sẽ tự trừ tiền trong thẻ đã liên kết với ứng dụng.
Ở chiều ngược lại, bà Lara Marrero không phủ nhận rằng các cửa hàng truyền thống nên áp dụng những lợi thế của thương mại điện tử, nhưng cũng nhấn mạnh thương mại điện tử nên tích hợp những ưu điểm của cửa hàng truyền thống như dịch vụ, tương tác giữa con người, và trải nghiệm mua hàng thực tế. Bà Lara Marrero rất thích cách làm của hãng thời trang Burberry: nếu thích món đồ nào, bà có thể gọi điện video cho nhân viên cửa hàng và trao đổi với họ, như vậy bà biết món đồ đó có phù hợp không, vừa có cảm giác thỏa mãn như đang ở trong một cửa hàng chuyên nghiệp và tận tâm.
Có thể bạn quan tâm