UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên xây dựng và phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.
Quảng Nam là địa phương dẫn đầu về định hình tư duy khởi nghiệp mở từ rất sớm và “lửa” khởi nghiệp nơi đây bùng phát, lan tỏa rộng khắp tạo đột phá để các chủ thể bước tiếp trên hành trình của mình…
Với phương châm và mục tiêu xây dựng mô hình Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo chủ đề: “Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”. Trong 5 năm giai đoạn từ 2017-2022, UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên xây dựng và phát triển chương trình phối hợp với các cơ quan Trung ương, các địa phương, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước về quá trình xây dựng và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương theo định hương bền vững, gắn văn hóa bản địa trên từng dự án, sản phẩm.
Những năm qua, Quảng Nam đã ký kết chương trình hợp tác xây dựng và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2025 với các địa phương lân cận, các trường đại học, Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam,... và liên kết với nhiều đơn vị để tổ chức nhiều sự kiện lớn. Đặc biệt, Quảng Nam cũng có các chương trình phối hợp Hệ sinh thái khởi nghiệp cấp ban, ngành (13 chương trình cấp ban, ngành) để tạo thêm các “sân chơi” mới cho cộng đồng startup.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định đã chỉ đạo Ban Điều hành, Sở Khoa học và Công nghệ, và đề nghị Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh,... tổ chức ký kết chương trình hợp tác khung đến năm 2025 và các chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể với các cơ quan chuyên môn trong cả nước để tổ chức các hoạt động liên quan đến xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, đào tạo, tập huấn,…về kiến thức, kỹ năng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp quốc gia, vùng.
“Ngay từ khi vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp, UBND tỉnh đã chú trọng triển khai chương trình phối hợp với các cơ quan Trung ương, các địa phương, các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp cả nước nhằm huy động lực lượng và một phần xã hội hóa kinh phí cùng nhà nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, thu nhiều kết quả rất quan trọng; góp phần khẳng định mô hình vai trò hỗ trợ thay cho quản lý của các cơ quan nhà nước và các tổ chức hội, đoàn thể; kết hợp với sự đồng hành tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, hướng đến sự chủ động của cộng đồng khởi nghiệp, xây dựng văn hóa đoàn kết, chia sẻ cùng khởi nghiệp… được các cơ quan Trung ương, các chuyên gia khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp trên cả nước đánh giá cao”, ông Dũng nhấn mạnh.
Để hệ sinh thái vận hành theo đúng định hướng, tỉnh Quảng Nam cũng đã chú trọng đào tạo chuyên gia, giảng viên nguồn (ToT) khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia “Liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam” với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, các ngành liên quan, Trường Cao đẳng Quảng Nam và gần 120 chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, startup trong tỉnh và các tỉnh thành phía Nam.
Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp mở năng động, linh hoạt để kết nối mạnh mẽ mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, quốc tế; tổ chức các diễn đàn, sự kiện khởi nghiệp và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp vùng, quốc gia, quốc tế theo chủ đề “Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”.
Tỉnh Quảng Nam cũng kết nối phát triển mạnh mẽ mạng lưới tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Nhất là tổ chức Hội/ Câu Lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh với tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp các tỉnh bạn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp nhằm xây dựng cộng đồng khởi nghiệp đoàn kết, năng động, sáng tạo và giúp đỡ nhau trong quá trình hiện thực hóa khát vọng xây dựng thương hiệu doanh nhân của xứ Quảng mang tầm quốc gia, quốc tế.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Trưởng ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam Phạm Ngọc Sinh cho biết: địa phương cũng sẽ hợp tác phát triển mạng lưới cố vấn, chuyên gia khởi nghiệp toàn quốc trên nền tảng hoàn thành mục tiêu đào tạo đội ngũ cố vấn, chuyên gia tỉnh đến năm 2025 trở thành lực lượng chủ chốt trong truyền lửa khởi nghiệp. Đặc biệt, tập trung cho việc liên kết ươm mầm, phát triển và hoàn thiện ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh; tham gia thành công chương trình khởi nghiệp quốc gia do các cơ quan, tổ chức Trung ương tổ chức hàng năm.
“Tỉnh sẽ tham gia đầy đủ, trách nhiệm các chương trình hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp vùng, quốc gia, quốc tế,... Đồng thời, tổ chức khảo sát, liên kết cộng đồng khởi nghiệp tỉnh với mạng lưới khởi nghiệp vùng, quốc gia để xây dựng và phát triển mô hình tổ chức hội khởi nghiệp vững mạnh. Đã khởi nghiệp phải thành doanh nghiệp, đó là chiến lược của tỉnh đến năm 2030”, ông Sinh khẳng định.
Nói về Techfest 2024, ông Sinh cho biết đã có đến 430 gian trưng bày, kết nối, vượt 100 gian do nhu cầu tham gia của các tỉnh/ thành bạn và các huyện, thị xã, thành phố so với quy định ban đầu. Trong đó, có 18 tỉnh/ thành trong cả nước (từ Nam ra Bắc); 04 tổ chức Hiệp hội, 03 trường cao đẳng, đại học và 18/18 huyện, thị xã, thành phố tham gia trưng bày, kết nối với gần 550 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ ý tưởng, dự án khởi nghiệp; chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thông tiêu biểu tham gia với ước tính 2.500 ý tưởng, dòng sản phẩm.