Chuyển đổi nền kinh tế theo hướng bền vững là con đường tất yếu, trong đó cần có giải pháp tạo “bước đệm” nâng cao chuỗi giá trị cho các sản phẩm trong nước.
>> Doanh nghiệp chịu sức ép nào trong chuyển đổi số để chuyển đổi xanh?
DĐDN đã có buổi phỏng vấn với ông Dennis Quennet, Giám đốc Cụm Dự án Phát triển Kinh tế bền vững của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
- Theo ông, hợp tác giữa VCCI và GIZ đã đóng góp như thế nào cho tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam cho tới nay?
Các cơ quan như VCCI là đầu mối thông tin cho doanh nghiệp, và đóng góp vào hoạch định chính sách. Điều này rất quan trọng đối với GIZ trong quá trình hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế.
Thị trường Đức nói riêng và thị trường châu Âu nói chung đang thay đổi, với các tiêu chí về bền vững ngày càng trở nên quan trọng. Để xâm nhập thị trường này, có hai vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm.
Thứ nhất, doanh nghiệp nên đánh giá chuỗi cung ứng của mình xem có tiềm năng đổi mới hoặc nâng cao hiệu quả hay không.
Thứ hai, doanh nghiệp cần được cung cấp thông tin về những thay đổi trong yêu cầu của thị trường, đặc biệt các yêu cầu liên quan tới bền vững, và điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp. Đây là lĩnh vực mà GIZ đang hợp tác với VCCI để hỗ trợ doanh nghiệp.
- Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn mới về bền vững, GIZ đang triển khai những sáng kiến nào, thưa ông?
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu bền vững của đối tác nước ngoài, như ở Đức và Châu Âu, GIZ và VCCI đã thành lập “Bộ phận Hỗ trợ kinh doanh có trách nhiệm”. Sáng kiến này sẽ giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn với kinh tế thế giới, duy trì sự gắn kết với chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn.
Theo tôi, trong tiến trình theo đuổi kinh tế xanh, tiếng nói của khối doanh nghiệp tư nhân là rất quan trọng, bởi họ chính là một trong những tác nhân chủ chốt của nền kinh tế.
Đức là quốc gia có cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) phát triển mạnh mẽ. Việc chia sẻ kinh nghiệm phong phú của Đức có thể hữu ích đối với các SMEs Việt Nam trong quá trình phát triển và cải thiện sức cạnh tranh.
Nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới cũng là một lĩnh vực mà GIZ và VCCI đang phối hợp thực hiện nhằm nâng cao tri thức cho các SMEs Việt Nam trong thời đại số hóa và chuyển đổi xanh.
Trong xu thế mới, các công ty Việt Nam cũng sẽ phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực hơn nữa. Cách thức làm việc và kỹ năng của nguồn nhân lực đang thay đổi rất nhiều do chuyển đổi số, trong đó kỹ năng số hay kỹ năng xanh sẽ rất cần được quan tâm.
>> Cần ưu tiên vốn lớn, vốn rẻ cho chuyển đổi xanh
Đó là lý do tại sao GIZ đang hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp trên cả nước. Bởi nếu muốn cải thiện hoạt động kinh doanh của mình, các doanh nghiệp cần huy động lực lượng lao động mới phù hợp. Ngành dịch vụ sẽ trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, do đó các doanh nghiệp cần chuẩn bị một lưc lượng lao động tốt để đáp ứng nhu cầu.
- Để đạt được các mục tiêu của kinh tế tuần hoàn là một bài toán đầy thách thức. Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị hướng tới phát triển bền vững?
Dưới góc độ chính sách, Việt Nam đã làm khá nhiều, như các cam kết Net Zero vào năm 2050, hay chương trình nghị sự 2030 về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành chiến lược tăng trưởng xanh, với sự hỗ trợ của GIZ.
Để Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị sản xuất và đáp ứng được xu hướng bền vững của kinh tế tuần hoàn trên thế giới, tôi có ba gợi ý như sau:
Thứ nhất, vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường quốc tế cần được khẳng định, thông qua các sản phẩm tạo được danh tiếng đặc trưng “made in Việt Nam”.
Cần có sự phối hợp tốt giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân để xác định các ngành có tiềm năng nhất cho việc nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tôi tin đó là một bước quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thứ hai, cần xác định rõ và truyền thông tốt về cơ hội, thách thức cũng như chi phí liên quan tới chuyển đổi kinh tế. Cũng cần đảm bảo chi phí được phân bổ một cách công bằng, bởi tác động từ chuyển đổi kinh tế đối với các thành phần xã hội và các nhóm dễ tổn bị tổn thương sẽ khác nhau.
Thứ ba, mối liên kết giữa chính phủ và khu vực tư nhân là thực sự cần thiết trong quá trình chuyển đổi kinh tế. Kinh nghiệm của Đức cho thấy, sự kết nối mạnh mẽ giữa nhà nước và khối tư nhân là một nền tảng quan trọng tạo nên sự thay đổi. Điều này có thể quyết định mức độ thành công cũng như tiến độ chuyển đổi nền kinh tế trong thời đại số và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, không thể chuyển đổi nền kinh tế nếu không điều chỉnh các chính sách tài chính. Đó chính là lý do GIZ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chính sách cho tài chính xanh bền vững, thiết lập hệ thống tiêu chí phân loại xanh giúp định hướng cho nhà đầu tư, nắn dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Còn nhiều dư địa hợp tác chuyển đổi xanh giữa Việt Nam - Đan Mạch
13:41, 12/07/2023
Song hành chuyển đổi xanh và chuyển đổi số
15:49, 13/06/2023
Chuyển đổi xanh thông qua ESG
12:27, 29/11/2022
Ngành thủy sản và xu thế tất yếu chuyển đổi xanh
10:10, 29/11/2022
Hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Đan Mạch thúc đẩy chuyển đổi xanh
00:12, 02/11/2022
GIZ và Bộ Xây dựng hợp tác Chương trình Nhà ở Xanh Việt Nam
15:48, 06/01/2021