Buồn- vui mùa báo cáo tài chính kiểm toán

ĐÌNH ĐẠI 01/04/2023 04:45

Sau khi báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 được công bố, nhiều doanh nghiệp tăng lỗ, hoặc “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp "bỏ túi" thêm hàng trăm tỷ đồng.

>>>Vì sao các công ty chứng khoán thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2023?

PVD và NKG tăng lỗ

Cái tên đầu tiên phải nhắc đến đó là Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD) tăng lỗ thêm hàng trăm tỷ đồng sau kiểm toán. Theo đó, báo cáo tài chính kiểm toán của PVD ghi nhận doanh thu không thay đổi, nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này bị điểu chỉnh tăng lỗ từ 98,5 tỷ đồng, lên 157,3 tỷ đồng, tương đương với tăng lỗ thêm 103 tỷ đồng.

PVD tăng lỗ thêm hàng trăm tỷ đồng sau kiểm toán.

PVD tăng lỗ thêm hàng trăm tỷ đồng sau kiểm toán.

Nguyên nhân do giá vốn tăng lên, kéo theo lợi nhuận gộp giảm xuống còn 577 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản lãi liên doanh liên kết cũng giảm so với báo cáo tự lập.

Nếu so với năm 2021, tổng doanh thu của PVD tăng gần 36%, nhưng lợi nhuận sau thuế lại lỗ (năm 2021 lãi hơn 29 tỷ đồng), chủ yếu do đơn giá cho thuê và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu trong năm 2022 tăng so với năm 2021.

Bên cạnh đó, PVD cũng tăng hiệu suất sử dụng giàn khoan đất liền với 01 giàn hoạt động xuyên suốt trong năm 2022 so với 0,44 giàn trong năm 2021; tăng doanh thu từ giàn thuê trong năm 2022 với 0,67 giàn hoạt động so với 0,26 giàn trong năm 2021.

Tuy nhiên, lợi nhuận giảm do giảm doanh thu và lợi nhuận của các dịch vụ liên quan đến khoan và lợi nhuận được chia từ các công ty liên doanh do khối lượng công việc tại các công ty con và liên doanh giảm. Trong khi đó, doanh nghiệp phải tăng chi phí dự phòng phải thu khó đòi và tăng chi phí tài chính do biến động mạnh lãi suất Libor và biến động tỷ giá năm 2022.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của PVD đạt 20.704 tỷ đồng, giảm hơn 57 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, PVD sở hữu hơn 2.028 tỷ đồng tiền mặt, tăng 83% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho tăng gần 20%, lên 908,5 tỷ đồng. Song đầu tư tài chính ngắn hạn giảm từ hơn 1.119 tỷ đồng, xuống còn hơn 424 tỷ đồng.

Tương tự với Công ty CP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng ghi nhận lỗ ròng tăng thêm gần 58 tỷ đồng, lên mức lỗ gần 125 tỷ đồng sau kiểm toán. Theo giải trình từ doanh nghiệp, nguyên nhân của việc tăng lỗ lên gần gấp đôi này chủ yếu là do điều chỉnh giá vốn tăng thêm gần 61 tỷ đồng, lên mức gần 21.590 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,28%. Giá vốn tăng lên do trích lập dự phòng hàng tồn kho tại Công ty con “Ống Thép Nam Kim” và không thực hiện loại trừ lỗ chưa thực hiện năm nay đối với Công ty con “Ống Thép Nam Kim”.

Thép Nam Kim cũng tăng lỗ gần gấp đôi hậu kiểm toán.

Thép Nam Kim cũng tăng lỗ gần gấp đôi hậu kiểm toán.

Bên cạnh đó, thu nhập khác giảm 9,75%, do chưa cấn trừ thu nhập khi thanh lý tài sản cố định tại Công ty con “Ống Thép Nam Kim”. Ngoài ra, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại cũng giảm 13,89% so với trước kiểm toán, do không thực hiện loại trừ lỗ chưa thực hiện năm nay đối với Công ty con “Ống Thép Nam Kim”.

Trước đó, báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 23.071 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ ròng gần 67 tỷ đồng.

Trong năm 2022, NKG ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm hơn 827 tỷ đồng, năm trước âm hơn 308 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã trải qua 2 năm liên tiếp ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư và dòng tiền tài chính trong năm 2022 lần lượt đạt 33,5 tỷ đồng và hơn 1.048 tỷ đồng, chủ yếu do công ty gia tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.  

VCG “bốc hơi” 118 tỷ đồng lợi nhuận

Trong khi đó, Tổng Công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (HoSE: VCG) cũng đã bị “bay hơi” hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán. Cụ thể, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VCG sụt giảm 118 tỷ đồng, so với báo cáo tự lập trước đó, tương đương với giảm 12,6%, xuống còn 931 tỷ đồng.

VCG “bốc hơi” 118 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán.

VCG “bốc hơi” 118 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán

Theo giải trình từ doanh nghiệp, nguyên nhân sụt giảm là do giảm lợi nhuận từ một số hợp đồng thi công xây lắp của các công ty con tại các dự án đầu tư xây dựng dở dang của Tổng công ty.

Mặc dù lợi nhuận “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng sau kiểm toán, nhưng với 931 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022 này cũng tăng 79% so với lợi nhuận của năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu là do trong năm 2022, các chỉ tiêu về doanh thu hoạt động xây lắp, kinh doanh bất động sản và doanh thu tài chính của VCG đều tăng.

Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2022 tăng trưởng cao, nhưng VCG vẫn đặt mục tiêu kế hoạch thận trọng trong năm 2023, với lợi nhuận giảm 8%, xuống còn 860 tỷ đồng. Theo đánh giá của doanh nghiệp, tình hình kinh tế năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn.

Riêng lĩnh vực xây dựng được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp. Nhóm xây dựng hạ tầng và công nghiệp được kỳ vọng hơn, trong đó, các dự án đầu tư công vẫn mang tính dẫn dắt.

Trong khi đó, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung, do những ảnh hưởng từ nguồn vốn, pháp lý, siết chặt tín dụng, thanh khoản thị trường được dự báo ở mức trung bình – thấp.

Mặt khác, những kỳ vọng về sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và việc giải quyết những nút thắt về pháp lý, thủ tục, trái phiếu bất động sản…sẽ tạo động lực phát triển mới cho các doanh nghiệp ngành xây dựng.

POW và PGV “bỏ túi” thêm hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp đã nhận thêm niêm vui hậu kiểm toán, khi bỏ túi thêm hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận, trong đó, không thể không nhắc đến các doanh nghiệp ngành điện như PGV, POW, hay NT2…

PGV tăng thêm 189 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán

PGV tăng thêm 189 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán

Cụ thể, Tổng Công ty Phát điện 3 (HoSE: PGV) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.550 tỷ đồng, tăng thêm 189 tỷ đồng sau kiểm toán. Tuy nhiên doanh thu năm 2022 của PGV gần như không thay đổi so với báo cáo tự lập trước đó, ở mức 47.287 tỷ đồng. So với năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp này tăng trưởng 25%.

Theo giải trình của PGV, nguyên nhân chủ yếu do khi lập báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 (trước kiểm toán), Tổng công ty chưa có báo cáo tài chính năm 2022 của các công ty liên doanh, liên kết. Đến thời điểm lập báo cáo kiểm toán năm 2022, PGV đã thực hiện hạch toán các khoản từ liên doanh, liên kết về theo phương pháp vốn chủ sở hữu, nên tăng phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết lên 181 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng 11%, lên 323 tỷ đồng, do chênh lệch lãi tiền gửi và phát sinh thêm khoản lợi nhuận từ trái phiếu (gần 15 tỷ đồng). Mặt khác, chi phí tài chính lại giảm nhẹ 1%, xuống 2.543 tỷ đồng, do giảm lỗ chênh lệch tỷ giá từ 995 tỷ đồng, xuống còn 73 tỷ đồng.

POW) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 được điều chỉnh tăng thêm 230 tỷ đồng sau kiểm toán.

POW cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 được điều chỉnh tăng thêm 230 tỷ đồng sau kiểm toán.

Tương tự, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 được điều chỉnh tăng thêm 230 tỷ đồng sau kiểm toán, lên 2.553 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 9,9% so với báo cáo tài chính tự lập. So với cùng kỳ, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này tăng trưởng 24%.

Theo POW, nguyên nhân của khoản chênh lệch chủ yếu do sự thay đổi lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2), công ty con của POW. Trước đó, NT2 đã đính chính về báo cáo tài chính quý IV/2022 với lợi nhuận sau thuế tăng thêm 154 tỷ đồng.

Do Tổng Công ty không lập lại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 trước kiểm toán, nên phát sinh chênh lệch lợi nhuận hợp nhất năm 2022 trước và sau kiểm toán. Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ và các công ty con sau kiểm toán và các điều chỉnh hợp nhất thay đổi làm tăng thêm 75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế báo cáo hợp nhất sau kiểm toán so với trước kiểm toán.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao các công ty chứng khoán thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2023?

    Vì sao các công ty chứng khoán thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2023?

    05:02, 31/03/2023

  • ĐHĐCĐ 2023 VCI: Đổi mới toàn diện, thông qua đổi tên thành CTCP Chứng khoán Vietcap

    ĐHĐCĐ 2023 VCI: Đổi mới toàn diện, thông qua đổi tên thành CTCP Chứng khoán Vietcap

    18:48, 30/03/2023

  • Dòng vốn ngoại đổ vào cổ phiếu chứng khoán

    Dòng vốn ngoại đổ vào cổ phiếu chứng khoán

    05:26, 28/03/2023

  • Nhà đầu tư chứng khoán: Đứng ngoài chờ cơ hội

    Nhà đầu tư chứng khoán: Đứng ngoài chờ cơ hội

    04:00, 25/03/2023

  • “Làn gió” mới cho chứng khoán

    “Làn gió” mới cho chứng khoán

    16:14, 19/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Buồn- vui mùa báo cáo tài chính kiểm toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO