Tài chính doanh nghiệp

Doanh nghiệp lại chuyển lãi sang lỗ hàng tỷ đồng hậu kiểm toán

Đình Đại 07/04/2025 04:29

Đến mùa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán, kết quả của nhiều doanh nghiệp niêm yết lại chuyển lãi sang lỗ với sai số rất lớn.

baocaotc.jpg
Việc chênh lệch số liệu trong báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán ảnh hưởng đáng kể đến việc ra quyết định của các nhà đầu tư chứng khoán - Ảnh minh họa.

Theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2024, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) ghi nhận doanh thu không đối so với báo cáo tài chính tự lập, với 2.718 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chỉ tiêu chi phí quản lý, và chi phí khác tăng mạnh, đặc biệt là chi phí khác tăng 375% so với báo cáo tự lập, lên 283 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này giảm 41% so với báo cáo tự lập, xuống còn 447 tỷ đồng, tương ứng với giảm 306 tỷ đồng sau kiểm toán.

Theo giải trình của lãnh đạo doanh nghiệp, Công ty căn cứ trên tình trạng pháp lý của Dự án Điện mặt trời Hồng Phong 4 và thực tế thu hồi công nợ, từ đó đánh giá và tạm ước tính ảnh hưởng đến tiền bán điện và ghi nhận dự phòng trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Tình trạng pháp lý của Dự án Điện mặt trời Hồng Phong 4 và thực tế thu hồi nợ cũng là nguyên nhân khiến chi phí quản lý và chi phí khác của HDG tăng mạnh do tăng cường trích lập dự phòng trong năm 2024, khiến lãi ròng giảm 48% so với năm 2023.

Tương tự, sau kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2024, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HoSE: POW) đã giảm 10% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 134,6 tỷ đồng, từ gần 1.346 tỷ đồng, về hơn 1.211 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận giảm chủ yếu do tổng chi phí tăng thêm hơn 258 tỷ đồng, trong khi tổng lợi nhuận và thu nhập khác tăng thêm 124,4 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết, việc lợi nhuận giảm sau kiểm toán do nhiều nguyên nhân. Trong đó, về phần tăng, lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ tăng 18 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của các công ty con tăng 20 tỷ đồng (Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 tăng 13 tỷ đồng, Công ty CP Thuỷ điện Hủa Na tăng 7 tỷ đồng), phần lãi trong công ty liên kết tăng 41 tỷ đồng.

Về phần giảm, lợi nhuận trước thuế giảm 213 tỷ đồng do Tổng công ty sử dụng số liệu tại báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán của CTCP Thuỷ điện Nậm Chiến phát hành ngày 24/3/2025 để xác định lại giá trị ghi số của khoản đầu tư tại thời điểm Nậm Chiến không còn được xác định là công ty liên kết của Tổng công ty, và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 sau kiểm toán tăng 0,84 tỷ đồng, làm giảm khoản lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 sau kiểm toán tương ứng.

Tại Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF), sau kiểm toán, lãi ròng bị giảm hơn một nửa. Theo đó, sau kiểm toán, lãi ròng của TTF giảm 51%, xuống còn hơn 6 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp đã ghi nhận chi phí vốn thực tế theo trị giá quyết toán đơn hàng sau kỳ báo cáo. Trong khi đó, doanh thu thuần giảm nhẹ hơn 1 tỷ đồng, xuống còn 1.223 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 4 năm qua.

So với năm 2023, doanh thu 2024 sau kiểm toán giảm 22%, trong khi lợi nhuận ròng cải thiện đáng kể từ mức lỗ gần 134 tỷ đồng sang lãi hơn 6 tỷ đồng. Công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu là năm 2023 phát sinh các chi phí bất thường liên quan đến thanh tra và quyết toán thuế, còn năm 2024 không còn các yếu tố này.

Dù có lãi nhẹ trở lại, nhưng doanh nghiệp ngành gỗ này vẫn đang gánh khoản lỗ lũy kế hơn 3.240 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2024. Đây là hệ quả từ những năm thua lỗ kéo dài sau bê bối thâm hụt hàng tồn kho chấn động năm 2016.

Công ty cho biết vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc, mở rộng thị trường và tìm kiếm đơn hàng mới tại EU, Mỹ và châu Á. Bên cạnh đó, Công ty bắt đầu tham gia các dự án bất động sản của các chủ đầu tư lớn. Tuy nhiên, hoạt động của TTF đang đối mặt nhiều thách thức từ chiến tranh thương mại, hậu COVID-19 và sự suy thoái của thị trường bất động sản. Đặc biệt, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến môi trường thương mại trở nên bất ổn hơn.

Trong khi đó, tại Công ty CP Ô tô TMT (HoSE: TMT), sau kiểm toán, mức lỗ của doanh nghiệp này đã tăng thêm gần 10 tỷ đồng, từ lỗ hơn 315 tỷ đồng, lên lỗ tới hơn 325 tỷ đồng. Trong đó, sau kiểm toán các khoản mục biến động mạnh như chi phí tài chính giảm hơn 14 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng hơn 1 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 23 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm gần 1 tỷ đồng....

Theo lý giải của doanh nghiệp, nguyên nhân của việc tăng lỗ sau kiểm toán chủ yếu do trích lập thêm chi phí lương tháng 13 và trích lập thêm dự phòng đối với các khoản công nợ phải thu khó đòi trên 3 năm. Đồng thời, điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt 4,8 tỷ đồng giảm thắng doanh thu bán hàng thay vì ghi nhận ở các khoản giảm trừ doanh thu trên báo cáo tự lập.

Có thể nói Báo cáo tài chính là căn cứ quan trọng giúp nhà quản lý đưa ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời cung cấp thông tin cần thiết nhằm kết nối doanh nghiệp với nhà đầu tư, các cơ quan quản lý và các bên liên quan khác. Đặc biệt, khoản mục lợi nhuận sau thuế là rất quan trong, bởi nó phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh và việc thực hiện các chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam công bố báo cáo tài chính trước và sau khi kiểm toán có sự chênh lệch lớn về số liệu diễn ra khá phổ biến. Một số doanh nghiệp được kiểm toán điều chỉnh lãi, hoặc chuyển từ lỗ thành lãi. Nhưng cũng không ít doanh nghiệp bị điều chỉnh số liệu và yêu cầu ghi nhận lưu ý các khoản mục làm "bay hơi" hàng trăm tỷ đồng, hoặc bị tăng lỗ, thậm chí, có nhiều doanh nghiệp bị chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán... Điều này đặc biệt ảnh hưởng đáng kể đến việc ra quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính chưa kiểm toán, đặc biệt là các nhà đầu tư chứng khoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp lại chuyển lãi sang lỗ hàng tỷ đồng hậu kiểm toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO