Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa đưa ra báo cáo hạ triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) trong năm 2020.
Theo BVSC, sở dĩ công ty này hạ dự báo về doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2019 của PLX xuống mức 195.300 tỷ đồng và 4.609 tỷ đồng chủ yếu do giá dầu Brent trung bình năm 2019 chỉ ở mức 65 USD/thùng, thấp hơn 9,3% so với năm 2018. Theo đó, mặt bằng giá xăng trung bình 2019 thấp hơn 3,5%, giá dầu DO 0,001S thấp hơn 3,0%, giá dầu DO 0,05S thấp hơn 4,0% so với năm 2018.
Từ những phân tích trên, BVSC dự báo trong năm 2020, doanh thu của PLX chủ yếu đến từ tăng trưởng sản lượng xăng dầu xuất bán với số cửa hàng xăng dầu (COCOs) tăng thêm khoảng 76 cửa hàng, sản lượng xăng dầu xuất bán tăng thêm từ COCOs mở mới dự báo khoảng 150.500 m3. "Với giả định giá dầu Brent trung bình năm 2020 ở mức 60 USD/thùng, giảm 7% so với năm 2019, giá các sản phẩm xăng dầu dự báo giảm 2% - 4% tùy sản phẩm. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của PLX dự báo lần lượt là 199.617 tỷ đồng và 4.417 tỷ đồng, giảm 2,2% và 4,2% so với năm 2019", BVSC nhận định.
Theo các chuyên gia, thị trường xăng dầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố xuất phát từ bên trong lẫn bên ngoài nền kinh tế. Bên ngoài, giá xăng dầu và đồng USD vẫn là một ẩn số khó lường. Theo đó, giá xăng dầu đang có xu hướng phụ thuộc nhiều vào “sức nóng” tại khu vực Trung Đông mà tâm điểm là căng thẳng Mỹ - Iran. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới kế hoạch kinh doanh của PLX trong năm 2020.
Bộ Tài chính cho biết, cơ chế điều hành xăng dầu sắp tới phải bổ sung các quy định để tạo thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế tham gia, cùng cạnh tranh, giảm thiểu tình trạng độc quyền. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng nên tách các khâu nhập khẩu và phân phối xăng dầu của PLX để hạn chế độc quyền. Nếu tách riêng các khâu phân phối và nhập khẩu, đơn vị nhập khẩu có thể cùng lúc bán cho PLX, hoặc bán cho các doanh nghiệp phân phối khác trong nước. Điều này tạo được sự cạnh tranh nhất định giữa các đơn vị nhập khẩu với nhau trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và đương nhiên PLX sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh.
Có thể bạn quan tâm
06:40, 19/10/2019
18:30, 30/09/2019
06:30, 15/08/2018
07:51, 31/05/2018
Trong khi đó, thị trường đang chờ đợi kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Tập đoàn này. Theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt, Nhà nước sẽ giảm 24,9% vốn tại PLX, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 78,6% xuống 53,7%.
Tuy nhiên, năm 2019 việc thoái vốn Nhà nước tại PLX đã không thành công. Hiện nay cổ đông lớn nhất tại PLX là Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước 83,8% và Công ty TNHH Tư vấn và Hodings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam 8,93%.
Được biết trong lộ trình thoái vốn trong năm 2020 có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tồn đọng, trong đó bắt buộc thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam và Petrolimex…
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PLX tiếp tục giảm mạnh từ vùng đỉnh 65.000 đồng/cổ phiếu xuống tới mức 55.000- 57.000đ/cp đến phiên 3/1/2020. Đây vùng giá thấp nhất của cổ phiếu PLX trong vòng 1 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, kể từ khi thiết lập đỉnh ở mức 65.000 đồng/cổ phiếu, Tập đoàn này đã đẩy ra thị trường 20 triệu cổ phiếu quỹ, khiến giá cổ phiếu này “lao dốc” và nhiều nhà đầu tư bị kẹt hàng triệu đơn vị cổ phiếu PLX do không kịp thoát được hàng.