Trong khi chứng khoán cơ sở giao dịch ảm đảm thì phái sinh nhộn nhịp trở lại. Vậy "cá mập" nào đang thao túng trên thị trường này và cần có chế tài nào để giám sát?
Bên nhộn nhịp, bên ảm đạm
Theo HNX, khối lượng giao dịch trên TTCK phái sinh trong tháng 10 đạt trên 2,5 triệu hợp đồng, tăng gần 64% so với tháng trước. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt gần 111.000 hợp đồng/phiên, tăng hơn 35% so với tháng trước. Hoạt động giao dịch phái sinh sôi động bởi các nhà đầu tư trong nước.
Trong tháng 10, có 1 mã sản phẩm là VN30F1810 đáo hạn ngày 18/10/2018 và Sở GDCK Hà Nội đã niêm yết bổ sung sản phẩm thay thế là VN30F1906 vào ngày 19/08/2018. Tại thời điểm cuối tháng 10 có 4 mã hợp đồng được giao dịch là VN30F1811, VN30F1812 VN30F1903, và VN30F1906.
Theo đó, khối lượng mở (OI) toàn thị trường tăng 26,08% so với tháng trước, tính đến cuối ngày 31/10/2018, khối lượng OI của toàn thị trường đạt 18.426 hợp đồng.
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng lên. Tại thời điểm cuối tháng 10, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 50.956 tài khoản, tăng 9,45% so với tháng trước.
Ông Nguyễn Tiến Hải - nhà đầu tư trên sàn VPBS cho biết, hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước 98,83%. Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ chiếm khoảng 1% khối lượng giao dịch toàn thị trường, trong đó hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán tăng gần gấp đôi so với tháng 9, chiếm 0,6% khối lượng giao dịch. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 0,17% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Theo ông Hải, thay vì T+3 như cơ sở, giao dịch phái sinh là có thể kiếm lời ngay cả khi thị trường giá xuống, việc thanh khoản trên thị trường cơ sở sụt giảm mạnh được đánh giá là do dòng tiền chuyển dịch từ thị trường cơ sở sang thị trường phái sinh để vừa phòng vệ, vừa tìm kiếm cơ hội sinh lời. Điều này khiến khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh tăng vọt từ mức trung bình 35.000 hợp đồng/phiên trong quý II/2018, lên 120.000 hợp đồng/phiên từ tháng 7 đến nay.
Thống kê của HNX cũng cho thấy, kể từ thời điểm thị trường chứng khoán phái sinh chính thức mở cửa với hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, hoạt động giao dịch có sự tăng trưởng tốt và ổn định. Khối lượng giao dịch bình quân một phiên tăng trưởng ấn tượng từ mức 10.954 hợp đồng/ngày vào cuối năm 2017 lên mức 62.979 hợp đồng/ngày trong năm 2018, gấp 5,75 lần so với năm 2017.
Tính đến hết ngày 13/9/2018, tổng khối lượng giao dịch của thị trường đạt 12.064.748 hợp đồng, trong đó tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (chiếm 98,56%). Tính đến ngày 13/9/2018, khối lượng hợp đồng qua đêm (OI) toàn thị trường đạt 15.366 hợp đồng, gấp 1,9 lần so với thời điểm cuối năm 2017 và gấp 76 lần so với ngày đầu khai trương thị trường.
Cần có chế tài giám sát
Trong khi thị trường phái sinh tiếp tục tăng trưởng, chứng khoán cơ sở tiếp tục ảm đạm với thanh khoản sụt giảm. Phiên ngày 12/11 khối lượng khớp lệnh trên HoSE đạt vỏn vẹn 109 triệu đơn vị, tương ứng giá trị khớp lệnh 2.382 tỷ đồng, đây là mức thanh khoản thấp nhất kể từ phiên 12/7 với khối lượng khớp lệnh gần 90 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 1.806 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn khi khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 28,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 405 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ phiên 16/7 với khối lượng khớp lệnh 27,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 415,5 tỷ đồng.
Trong chứng khoán, thanh khoản là yếu tố thể hiện sức mạnh của dòng tiền tham gia thị trường. Việc các chỉ số trong phiên 12/11 đồng loạt tăng khá, nhưng thanh khoản "teo tóp" ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng cho thấy giới đầu tư vẫn khá thận trọng với xu hướng thị trường lúc này.
Vậy thị trường chứng khoán phái sinh không phải là "tội đồ" gây nên sự ảm đạm trên thị trường chứng khoán cơ sở. Theo các chuyên gia nhận định, các tác động từ yếu tố bên ngoài như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay sự bán ròng của khối ngoại đã khiến thị trường giảm mạnh từ đỉnh VN-Index 1.200 điểm về 900 điểm. Tuy nhiên ở những giai đoạn nhạy cảm khi nhà đầu tư mất phương hướng, phái sinh đã trở thành một kim chỉ nam dẫn dắt để nhà đầu tư dự đoán xu hướng ngắn hạn. Nếu mua cổ phiếu cơ sở nhà đầu tư phải chờ T+3 mới về tài khoản và không thể sửa sai nếu phiên hôm sau xuất hiện các thông tin tiêu cực thì phái sinh có thể bán xuống và đóng vị thế ngay trong T+0.
Thực tế hiện nay, các môi giới trong các Công ty CK đều đã khuyên nhà đầu tư bỏ chứng khoán cơ sở để chuyển sang phái sinh "lướt sóng" cho nhanh nhưng thực tế phái sinh có dễ dàng thu được lợi nhuận? Một lãnh đạo trong ngành chứng khoán cho rằng chỉ có 5% nhà đầu tư thu được lợi nhuận trên TTCK phái sinh còn lại đa phần thua lỗ. Trong khi giá các cổ phiếu cơ bản mặc dù xuống rất thấp nhưng không có lực cầu bắt đáy.
Áp lực đầu cơ bán xuống cùng với diễn biến bên ngoài trên thị trường phái sinh đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán cơ sở liên tục phá vỡ ngưỡng hỗ trợ, đảo chiều.
Các nhà đầu tư phản ánh gây ảnh hưởng đến thị trường là do chỉ số cơ sở của phái sinh là VN30 có thể bị tác động bởi một số cổ phiếu cấu thành trong rổ Vn30. Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng hiện tượng điều khiển chỉ số VN30 để trục lợi trên thị trường phái sinh phải nhìn nhận cẩn thận từ góc độ chi phí vốn. Để đẩy 1 điểm hay ép 1 điểm ở chỉ số VN30 (trong khoảng thời gian nhất định) cần tác động đến các cổ phiếu nào và chi phí là bao nhiêu? Liệu chi phí đó có bù đắp được từ đầu cơ trên thị trường phái sinh hay không?Liệu "cá mập" nào đang thao túng thị trường chứng khoán phái sinh? Đây chính là dấu hỏi của nhiều nhà đầu tư đặt ra chưa có câu trả lời...
Thực tế cho thấy trong nửa cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2018 những diễn biến của chứng khoán phái sinh, bên cạnh phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư, còn phải tính thêm những biểu hiện về thao túng hoặc làm giá. Vậy thiết nghĩ để quản lý chặt chẽ và làm minh mạch thị trường chứng khoán phái sinh, đã đến lúc Sở HNX-UBCK Nhà nước cần tăng cường quản lý giám sát trên thị trường chứng khoán phái sinh tạo một sân chơi minh bạch.