Dự kiến nhà đầu tư phải bỏ ra số tiền hơn 4.800 tỷ đồng để mua hết số cổ phần VCG được SCIC chào bán vào cuối năm nay.
Theo kế hoạch, trong quý 4/2018, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết sẽ triển khai bán cổ phần tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG).
Cụ thể, số lượng cổ phần SCIC chào bán 254,901,153 cổ phần VCG, chiếm 57,71% vốn điều lệ. Hình thức chào bán là bán đấu giá công khai cả lô toàn bộ cổ phần sở hữu của SCIC tại Vinaconex qua HNX.
Các đối tượng được tham gia đấu giá gồm: Nhà đầu tư trong nước (cá nhân, tổ chức); Nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân, tổ chức); Các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư (trường hợp các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tổ chức nhận ủy thác đầu tư có trách nhiệm tách biệt rõ số lượng nhà đầu tư, số cổ phần đăng ký mua của từng nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua và đảm bảo giới hạn về tỷ lệ nắm giữ đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Vinaconex là 49%).
Có thể bạn quan tâm
06:45, 20/10/2018
00:59, 18/10/2018
07:59, 29/08/2018
Đây là phiên bán vốn lớn được kỳ vọng vào thời điểm cuối năm nay. Tuy nhiên, kỳ vọng vẫn là kỳ vọng, thực tế vẫn còn là bài toán khó khi mà với 254,9 triệu cổ phần được mang ra chào bán, nếu tính giá VCG là 18.900 đồng/CP – chốt phiên cuối tuần trước thì muốn sở hữu toàn bộ số cổ phần này nhà đầu tư phải bỏ ra số tiền hơn 4.800 tỷ đồng. Đây là một số tiền khá lớn mà nếu không phải nhà đầu tư tổ chức thì rất khó có thể mua được. Bên cạnh đó, room cho khối ngoại tại VCG chỉ ở mức 49%, việc chào bán hơn 57% vốn điều lệ chính là rào cản với nhóm nhà đầu tư này.
Tại thời điểm cuối năm ngoái phiên bán vốn của SCIC với VCG cũng đã diễn ra không thành công và một trong những lý do được đưa ra là do cổ phiếu VCG đúng là không thể hấp dẫn "kéo" khối ngoại tham dự vào trong khi nhà đầu tư trong nước sẽ không đủ tiềm năng. Khi đó, chỉ có 3 nhà đầu tư đăng ký mua thành công với tổng khối lượng 5,4 triệu cổ phiếu, mức giá 25.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy lượng cổ phần bán được ngày chỉ chiếm 5,56% lượng chào bán của SCIC với mức giá đầu thành công đúng bằng mức giá khởi điểm.
Theo đó, số vốn SCIC thu về khoảng 137 tỷ đồng và giảm tỷ lệ sở hữu ở VCG từ mức 57,79% xuống 52,2%. Sau phiên đấu giá gây thất vọng trên, mã cổ phiếu VCG đã giảm sàn ngay từ đầu phiên giao dịch và hiệu ứng còn tác động tiêu cực đến diễn biến ở hàng loạt mã cổ phiếu thuộc diện thoái vốn nhà nước tại thời điểm đó như SAB, BMP, BHN, NTP, FPT…
Đại diện SCIC lúc đó cũng nói chắc sẽ phải tính phương án từ từ vì đợt đó có quá nhiều doanh nghiệp thoái vốn nên không thể đòi hỏi hấp thụ ngay hết được.
Được biết, lũy kế nửa đầu năm 2018, VCG ghi nhận doanh thu thuần đạt 4,353 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động xây lắp tiếp tục là nguồn thu chủ đạo của Công ty, kế đến là bất động sản và sản xuất công nghiệp.
Chi phí giá vốn tăng 10% so với cùng kỳ khiến lãi gộp sụt giảm tới 30% xuống mức 450 tỷ đồng. Mặt khác, các khoản chi phí vẫn tương đối cao khiến công ty báo lãi trước thuế giảm 38% so với cùng kỳ xuống mức 235 tỷ đồng. Theo đó, công ty báo lãi ròng giảm phân nửa xuống 134 tỷ đồng.
Tính tới cuối quý 2/2018, tổng tài sản của VCG ở mức 20,173 tỷ đồng, giảm 7,2% so với đầu năm. Nợ phải trả vẫn duy trì ở mức 63% cơ cấu tổng tài sản. Các khoản nợ và phải trả của Công ty không có biến động nhiều.