Kinh tế địa phương

Cà Mau: Đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính

Trí Dũng 04/12/2024 09:40

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Cà Mau đang đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ.

Nhiều điểm sáng về cải cách hành chính

Quyết liệt, kịp thời, thông suốt, là quyết tâm của TP Cà Mau trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC). Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, UBND TP Cà Mau đã xây dựng và ban hành các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC một cách cụ thể, chia nhỏ đầu công việc để dễ thực hiện, tiện kiểm soát. Ngoài kế hoạch chung của công tác CCHC, năm 2024, UBND TP Cà Mau còn ban hành các kế hoạch về công tác tuyên truyền CCHC; về kiểm tra công tác CCHC; về cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)...

Người dân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm giải quyết TTHC tỉnh.
Người dân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm giải quyết TTHC tỉnh.

Bộ phận Một cửa thành phố và xã, phường thường xuyên cập nhật và thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính (TTHC) bằng mã QR để người dân tra cứu khi cần thiết. Qua đó, chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thành phố được nâng cao. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến đến nay đã đạt hơn 92%, mức độ hài lòng của người dân về giải quyết TTHC đạt 100%.

TP Cà Mau cũng thực hiện niêm yết công khai địa chỉ cơ quan, công khai số điện thoại chuyên dùng của lãnh đạo, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ Zalo, Trang thông tin điện tử thành phố tại Bộ phận Một cửa thành phố, xã, phường... qua đó, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức có khó khăn, vướng mắc về TTHC.

TP Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh áp dụng những giải pháp, sáng kiến mới nhằm tạo bước đột phá trong thực hiện CCHC, phát triển chính quyền điện tử - nền tảng vững chắc hướng tới chính quyền số.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, huyện Trần Văn Thời đạt được thành tựu đáng kể trong CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Một trong những điểm sáng là việc đơn giản hoá TTHC. Qua khảo sát, tỷ lệ hài lòng của người dân khi thực hiện các TTHC đạt mức 100%, điều này cho thấy những nỗ lực của huyện trong việc giảm thiểu các rào cản hành chính đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, huyện Trần Văn Thời cũng đạt được những kết quả đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính. Việc triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành iOffice, cùng với việc xây dựng trang thông tin điện tử, đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin.

Ðể tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, huyện Trần Văn Thời đã tích cực triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, chồng chéo. Việc xây dựng vị trí việc làm và khung năng lực đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Huyện cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong việc cải cách tài chính công, việc lập và phân bổ dự toán ngân sách được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả.

6-2-1-.jpg
Tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, huyện Ngọc Hiển tập trung CCHC theo hướng sát với điều kiện, tình hình thực tế địa phương, nhằm tạo bước chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết: Thực hiện Kế hoạch CCHC năm 2024 của tỉnh, UBND huyện Ngọc Hiển ban hành Kế hoạch số 17 để cụ thể hoá các nội dung, chỉ tiêu thực hiện năm 2024; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đạt hiệu quả, tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Hiện nay, hầu hết các TTHC giải quyết thường xuyên được cắt giảm từ 20-50% trở lên. Huyện đã rà soát và công bố 20 TTHC nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện...

Nâng cao chất lượng phục vụ

Xác định nhiệm vụ cải cách hành chính là trọng tâm, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp, sáng kiến để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Cà Mau đã triển khai nhiều biện pháp CCHC, đặc biệt tập trung cải cách một số nội dung như: kiểm soát chặt chẽ các khâu, các thủ tục trung gian trước khi hoàn thành bộ thủ tục hành chính để nộp vào Bộ phận Một cửa, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, góp phần thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.. nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế.

Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của tỉnh Cà Mau (sau thẩm tra) trình HĐND tỉnh, trong năm 2024, Công tác CCHC đã được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực. Định kỳ hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội và công tác CCHC.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực như: UBND tỉnh đã tổ chức 02 cuộc họp mặt doanh nghiệp với sự tham gia của hơn 630 lượt doanh nghiệp, doanh nhân; tổ chức gặp mặt, đối thoại với nông dân; đối thoại với doanh nghiệp qua hình thức cà phê doanh nghiệp,...

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp trong khuôn khổ chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau” ngày 03.8.2024.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp trong khuôn khổ chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau” ngày 03/8/2024.

Trong triển khai thực hiện công tác CCHC, Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt đến thủ trưởng các cơ quan, đơn vị: “Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của CCHC; tất cả hướng đến mục tiêu là phục vụ người dân, doanh nghiệp”; huy động sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trong đó, giữ vai trò quyết định là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu phải muốn làm, phải trải nghiệm, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức; trong chỉ đạo, điều hành phải đồng bộ, linh hoạt, tổ chức triển khai quyết liệt, nhưng phải xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.

Tính đến ngày 01/12/2024, tỉnh đã hoàn thành đúng và sớm hạn 35/37 nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC đề ra, tỷ lệ 94,60% (còn lại 02 nhiệm vụ đang thực hiện trong thời gian quy định); có 13/15 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch CCHC đề ra…

Đến nay, Cà Mau có 1.542 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 06 dịch vụ công trực tuyến một phần. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 259.566/301.010 hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến, đạt 86,23%, xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố (cấp tỉnh đạt 87,50%, cấp huyện đạt 91,35%, cấp xã đạt 83,07%).

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thanh toán trực tuyến đối với 911 TTHC có yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính, thu thuế, phí, lệ phí, đạt 100%; tất cả thủ tục này đã được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Kết quả, tỷ lệ thanh toán trực tuyến của tỉnh đạt 81,09%, xếp thứ 04/63 tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở những kết quả đạt được nêu trên, tỉnh Cà Mau đứng thứ 01/63 tỉnh, thành phố theo bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tiếp tục được tỉnh chỉ đạo thường xuyên; kết quả, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của tỉnh đạt 90,01%, xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố (cấp tỉnh đạt 91,86%, cấp huyện đạt 89,11%, cấp xã đạt 89,07%).

Cà Mau cũng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành sớm việc kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an, để phục vụ chuyển đổi sang sử dụng VNeID làm tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử kể từ ngày 1/7/2024.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, Cà Mau đặc biệt quan tâm đến công tác CCHC, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến được lãnh đạo tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC, đòi hỏi phải có sự phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, có đánh giá, tổng kết, thi đua khen thưởng ở từng thời điểm. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, hướng tới hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết TTHC, nhất là TTHC trên môi trường điện tử.

Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu năm 2024 phấn đấu tăng ít nhất 05 bậc vị trí xếp hạng của Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) so với năm 2023. Đồng thời, tiếp tục cải thiện Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh (SIPAS) của năm 2023. Giảm tối thiểu 1,23% biên chế công chức (25 biên chế), 3% đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập (18 đơn vị) bình quân cả tỉnh, 2,05% biên chế sự nghiệp (414 biên chế) hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2023. Mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đạt tối thiểu 90%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cà Mau: Đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO