Kinh tế địa phương

Cà Mau: Phát huy lợi thế, thu hút đầu tư

Thùy Linh 16/11/2024 11:12

Cà Mau đã và đang phát huy lợi thế cạnh tranh, tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo tiền đề, định hướng phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh Cà Mau trong chặng đường phát triển sắp tới.

3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tích hợp được những yếu tố mới nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, nổi trội và riêng biệt của tỉnh, giải quyết các khó khăn, thách thức của tỉnh trong giai đoạn trước. Đồng thời, Quy hoạch tỉnh được phê duyệt cũng là căn cứ quan trọng để Cà Mau hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong hiện tại cũng như tương lai. Điều này không chỉ giúp Cà Mau vươn lên bứt phá, phát triển mạnh mẽ mà còn kết nối với các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng như các địa phương trong cả nước cùng phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Cà Mau chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Cà Mau chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà đầu tư tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau.

Theo Quy hoạch, đến năm 2030, Cà Mau đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hoá mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Theo Quy hoạch, tỉnh Cà Mau tập trung phát triển 3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng, 2 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển. Cụ thể phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội gồm 3 vùng kinh tế và 5 cực tăng trưởng gồm: Vùng phát triển dịch vụ - đô thị - công nghiệp trung tâm (với cực tăng trưởng là Tp.Cà Mau); Vùng phát triển đô thị - công nghiệp - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Tây (với cực tăng trưởng là đô thị Sông Đốc); Vùng phát triển công nghiệp - đô thị - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Đông (với các cực tăng trưởng là đô thị Năm Căn gắn với Khu kinh tế Năm Căn, đô thị Tân Thuận và đô thị Đất Mũi gắn với Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai).

Tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua hình thành 02 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển: Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Tp.Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi); Hành lang kinh tế Đông - Tây (Tân Thuận - Đầm Dơi - Sông Đốc).

Về các trục liên kết phát triển tạo không gian kết nối, thông suốt gồm: Trục Quốc lộ 1: là trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia đi xuyên qua trung tâm Tp.Cà Mau và về đến Năm Căn; Trục kinh tế - đô thị Quốc lộ 63: nối Tp.Cà Mau và đi về cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang); Trục kinh tế - đô thị biển ven biển phía Nam nối Tp.Cà Mau với thành phố Rạch Giá (Kiên Giang); Trục kinh tế biển, ven biển: khả năng kết nối với đường biển quốc tế và quốc gia; Trục kinh tế - đô thị nội vùng: Từ Tp.Cà Mau đi Sông Đốc, thị trấn Đầm Dơi và kết nối với cảng Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) và Trục kinh tế đường thủy Quốc gia.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Theo Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, để đạt được mục tiêu trên, Cà Mau dành ưu tiên cho việc triển khai Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh Cà Mau so với các địa phương khác.

photo-1719669780338-1719669780736547786086.png
Cảng hàng không Cà Mau

Tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và nâng cao năng suất, chất lượng và thích ứng của nền kinh tế. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, hạ tầng hệ thống thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Mở rộng các hình thức đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và phương thức đầu tư khác phù hợp.

Tỉnh Cà Mau cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Cà Mau. Chương trình xúc tiến đầu tư tập trung thực hiện định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, bám sát quan điểm chỉ đạo về định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030…

526.jpg
Ngành công nghiệp chế biến là 1 trong những ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh Cà Mau.

Tỉnh đang tập trung thu hút dự án đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; chế biến thức ăn gia súc, thủy sản, năng lượng tái tạo... Tỉnh ưu tiên các dự án sản xuất tinh chế, sản phẩm sử dụng ngay, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến, tăng hàm lượng giá trị gia tăng; kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp...

Để thu hút đầu tư, tỉnh Cà Mau tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư. Bên cạnh việc chủ động nghiên cứu, tiếp cận, kêu gọi các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước, tỉnh Cà Mau cũng tăng cường phổ biến, cung cấp thông tin về các dự án mời gọi đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư thông qua các cơ quan thương vụ tại các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan thương vụ nước ngoài tại Việt Nam, qua các hội thảo, hội nghị, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng...

Tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong công tác thẩm định, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội và tiến hành đầu tư tại tỉnh. Tỉnh cam kết luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư trong, ngoài nước và luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

10 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 434 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 2.815,8 tỷ đồng, bình quân vốn đăng ký 6,5 tỷ đồng/doanh nghiệp, quy mô vốn bình quân đăng ký mỗi doanh nghiệp tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút 12 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 2.239,3 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 459 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 146.620,8 tỷ đồng; trong đó có 11 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 163,5 triệu USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cà Mau: Phát huy lợi thế, thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO