VCCI

Các địa phương miền Trung đều chú trọng “xanh hóa” kinh tế

Tuấn Vỹ 23/08/2024 14:43

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các tỉnh miền Trung đã tích cực thay đổi tư duy thu hút đầu tư, “nói không” với các dự án có phát thải lớn,... kèm với định hướng chuyển đổi xanh nhằm “xanh hóa” kinh tế.

Trao đổi tại Hội thảo khu vực Duyên hải miền Trung: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững”, đại diện các địa phương đều khẳng định “xanh hóa” là hướng đi đang được ưu tiên. Lãnh đạo các địa phương cũng nhấn mạnh không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.

phanthaibinh.jpg
Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định việc thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đã được triển khai từ rất sớm.

Theo ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam quan điểm của địa phương về thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đã được triển khai từ rất sớm, là một trong những địa phương tích cực và tiên phong thực hiện các mục tiêu về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mục tiêu của tỉnh đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng ở mức trên 61%, tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng được yêu cầu đạt 100% và 100% các cụm công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường đạt 90%; cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050,... Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đã và đang làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông Bình, các giải pháp bảo vệ môi trường được tỉnh triển khai đồng bộ, trên diện rộng, bài bản.

“Để có bước chuyển hướng đầu tư, tiên phong đón đầu xu thế phát triển du lịch xanh, năm 2021, Quảng Nam ban hành Kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025 và nhiều chủ trương, chính sách về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch xanh. Đặc biệt, Quảng Nam là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh làm kim chỉ nam để ngành du lịch Quảng Nam hướng đến mô hình phát triển xanh, bền vững. Tính đến nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận kết quả đánh giá và cấp chứng nhận du lịch xanh cho 25 doanh nghiệp, đơn vị du lịch”, ông Bình cho hay.

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng xanh hóa, Quảng Nam đã xây dựng chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, “nói không” với các loại hình sản xuất phát thải lớn và những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện nghiêm việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, toàn bộ dự án trước khi cấp phép hoạt động đều phải bảo đảm thủ tục pháp lý về môi trường theo đúng quy định.

ongthuong.jpg
Ông Cao Thanh Thương - Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định thông tin địa phương xác định phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.

Theo Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Quảng Nam nằm trong Top 20 tỉnh, thành phố có Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI cao nhất, với điểm tổng hợp đạt 22,84 điểm, xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, trong đó có chỉ số thành phần “Đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường” của tỉnh Quảng Nam xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố và thứ 01/14 tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải miền Trung.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đề ra một số giải pháp để thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo hướng “xanh hóa”, phát triển bền vững trong thời gian đến như hoàn thiện cơ chế, chính sách như tiếp tục tích hợp, lồng ghép các nội dung về tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh, phát triển bền vững vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Cùng với đó, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” nhằm thực hiện tốt các định hướng đã nêu trong Quy hoạch của tỉnh thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, nghiên cứu các chính sách, giải pháp đột phá để tăng cường thu hút các dự án FDI xanh đến với tỉnh Quảng Nam. Cuối cùng là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh là động lực chính để phát triển bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh,...

Ông Cao Thanh Thương - Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định thông tin Bình Định hiện nay có 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích gần 7000ha. Trong đó, có 7 KCN đã đi vào hoạt động và lấp đầy 2 KCN, còn lại có 3 KCN đã hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, 5 KCN quy hoạch mới. Tỉnh Bình Định còn có Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội với diện tích hơn 14.300ha.

Theo ông Thương, các doanh nghiệp đầu tư vào KCN, KKT đều được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất của Trung ương và địa phương. Đặc biệt, tỉnh Bình Định cũng chú trọng nâng cao cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải các thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kết nối quan hệ nhà đầu tư với chính quyền.

ninhthuan.jpg
Ông Trương Văn Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho hay địa phương xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực đột phá để tập trung chỉ đạo, điều hành.

Thông tin từ vị này, thời gian cấp phép các dự án đầu tư vào các KCN đã được rút ngắn trong vòng 60 ngày, các vướng mắc của doanh nghiệp cũng được giải quyết vướng mắc một cách nhanh nhất. KKT Nhơn Hội và các KCN đã thu hút được 400 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 150.000 tỷ đồng. Hiện có 250 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 25.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 700 triệu USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

“Trong giai đoạn mới, tỉnh Bình Định xác định phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Tuy vậy, vẫn phải giải quyết bài toán phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững”, ông Thương cho biết.

Vì vậy, công tác thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, các yếu tố về môi trường “xanh”, công nghệ hiện đại luôn được Ban quản lý KKT đặt lên hàng đầu. Trong đó, chú trọng các dự án nâng cao năng lực sản xuất, công nghệ tiên tiến, sử dụng ít tài nguyên,.. hướng đến phát triển KCN hiện đại.

Theo ông Thương, đây là xu hướng phát triển, dù khó khăn, thách thức nhưng Bình Định luôn đặt mục tiêu phát triển cao nhất trong thời gian tới. Vì vậy, địa phương luôn đặt yêu cầu về bảo vệ môi trường là điều kiện ràng buộc trong việc thu hút các dự án đầu tư vào KKT Nhơn Hội và các KCN. Các dự án mới đều phải quy định có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường nhằm phòng ngừa, hạn chế,kiểm soát các tác động ô nhiễm môi trường ngay từ ban đầu.

Cùng với đó là chú trọng triển khai đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các KCN để bảo đảm an toàn, quan trắc liên tục các vấn đề môi trường. Nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ các dự án đầu tư, xem xét bố trí hợp lý khu vực nhà xưởng, sản xuất, chất thải theo đúng quy định.

“Đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN trong việc chuyển đổi nguyên liệu đốt, chuyển đổi công nghệ. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các đơn vị chỉ lo phát triển kinh tế mà không bảo vệ môi trường. Cùng với đó là trao danh hiệu doanh nghiệp xanh cho các đơn vị thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường”, ông Thương thông tin về các giải pháp.

thuathienhue.jpg
Ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết địa phương cũng định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững, đẩy mạnh thu hút đầu tư và du lịch xanh.

Ông Trương Văn Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho hay địa phương luôn xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thời gian qua, địa phương đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, khắc phục điểm nghẽn về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng, cụ thể hóa các quy hoạch chuyên ngành về năng lượng, đất đai, xây dựng,...

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng tập trung chỉ đạo mạnh mẽ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời kiến nghị với Trung ương những vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, đề xuất các giải pháp cho phép Ninh Thuận thực hiện thí điểm cơ chế xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng truyền tải điện. Song song là chủ động rà soát, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kết nối giao thông, truyền tải điện,...

“Trong chủ trương chuyển hướng chiến lược phát triển theo mô hình “kinh tế xanh” , tỉnh đã xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực đột phá để tập trung chỉ đạo, điều hành. Vì vậy, Ninh Thuận đã tập trung tham mưu và được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 31/8/2018 về một số cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Đồng thời, có nhiều cơ chế chính sách mới, tập trung vào các nhóm ngành đột phá, trụ cột, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, phát triển tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG),...”, ông Tiến cho hay.

Thông tin từ vị này, để nâng cao chỉ số PCI và PGI, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, có tính gắn kết, liền mạch hơn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chất lượng môi trường kinh doanh gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và đô thị thông minh.

Đặc biệt là đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh, xanh hóa sản xuất,... nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “tăng trưởng xanh” , tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho thay địa phương đã đi theo chiến lực xanh từ rất lâu. Theo đó, địa phương thực hiện phát triển nhanh dựa trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa.

Thông tin từ ông Cường, Thừa Thiên Huế cũng có nhiều mô hình về phong trào “xanh - sạch – sáng” như thành phố mùa hoa, sông Hương xanh, nói không với túi nilong và các sản phẩm nhựa dùng một lần,.... Cùng với đó là nhiều hành động phát triển xanh cụ thể như chương trình hợp tác với UNDP về phát triển bền vững, WWF triển khai chương trình giảm rác thải nhựa, chương trình thành phố xanh do ADB tài trợ về cải thiện môi trường, nâng cao trải nghiệm du lịch,...

“Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định lấy chuyển đổi số làm nền tảng phát triển, định hướng phát triển mạnh kinh tế biển và kinh tế đầm phá. Đồng thời, địa phương cũng định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững, đẩy mạnh thu hút đầu tư và du lịch xanh. Đặc biệt, xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị Huế theo hướng đô thị vườn, sinh thái, thân thiện môi trường và thông minh, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông xanh”", ông Cương cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các địa phương miền Trung đều chú trọng “xanh hóa” kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO