Theo các chuyên gia, một lỗ hổng trong luật thuế mới của Mỹ có thể cho phép các tập đoàn đa quốc gia như Apple tránh phải chi trả hàng tỷ USD tiền thuế đánh vào lợi nhuận ở nước ngoài.
Lỗ hổng này liên quan đến thuế suất (15,5% hoặc 8%) mà các doanh nghiệp Mỹ phải trả đối với khoản lợi nhuận khoảng 2,6 nghìn tỷ USD mà họ đang nắm giữ ở nước ngoài.
"Thông qua việc điều tiết dòng tiền ở nước ngoài, một công ty đa quốc gia Mỹ có thể sẽ lách được tiền thuế bằng cách chuyển lợi nhuận từ thuế suất cao sang thuế suất thấp hơn", ông Stephen Shay, Giảng viên cao cấp tại Trường Luật Harvard nói và cho biết, tổng số tiền thuế mà Apple có thể lách được lên tới hơn 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Apple đã từ chối bình luận về phân tích của ông Shay. Bộ Tài chính Mỹ và Sở Thuế vụ Mỹ cũng không trả lời các câu hỏi của Reuters về nội dung nói trên.
"Điều này rõ ràng là một lỗ hổng lớn của một đạo luật được hoàn thành một cách vội vã", ông Shay nhấn mạnh.
Luật thuế mới của Mỹ là chiến thắng lập pháp đầu tiên của Tổng thống Donald Trump kể từ khi ông nhậm chức. Được thông qua trước sự phản đối của đảng Dân chủ, Luật thuế sửa đổi có hiệu lực trong tháng này, quy định việc cắt giảm thuế và những sửa đổi, bổ sung khác mà các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ mong đợi từ nhiều năm nay.
Một trong những thay đổi đó là điều khoản cắt giảm thuế đối với khoản lợi nhuận khoảng 2,6 nghìn tỷ USD mà các công ty đa quốc gia đã lưu giữ ở nước ngoài trong những năm gần đây theo một điều khoản "trì hoãn" cho phép các công ty giữ lợi nhuận ở nước ngoài không phải trả thuế, miễn là số tiền không được hồi hương.
Tuy nhiên, không có điều khoản trì hoãn như vậy theo Luật thuế mới và lợi nhuận ở nước ngoài sẽ được đánh thuế ở mức 15,5% đối với lợi nhuận bằng tiền mặt hoặc 8% đối với lợi nhuận phi tiền mặt.
Cả hai mức thuế này thấp hơn nhiều so với mức 35% mà họ phải trả đối với lợi nhuận nước ngoài hồi hương trước khi đạo luật mới có hiệu lực.
Các chuyên gia cho rằng, để tránh nộp thuế nhiều hơn, các công ty đa quốc gia Mỹ có thể chuyển lợi nhuận ở nước ngoài từ mức thuế suất 15,5% sang mức thuế suất 8%.
"Ngay cả trước khi Dự thảo Luật thuế sửa đổi được công bố vào tháng 11/2017, các công ty đa quốc gia đã có kế hoạch chuyển tài sản tiền mặt sang tài sản phi tiền mặt, mặc dù vẫn chưa rõ tài sản nào được tính là tiền mặt", ông Reuven Avi-Yonah, một chuyên gia thuế hàng đầu của Đại học Michigan, cho biết.
Lỗ hổng tạo ra khả năng chuyển đổi khung thuế suất này có liên quan đến một công thức tính lợi nhuận ở nước ngoài phải chịu thuế. Theo đó, trình trạng tiền mặt ở nước ngoài của các công ty Mỹ, được tính bằng mức trung bình của hai năm tài khóa trước đó.
Các công ty sẽ phải trả mức thuế 15,5% đối với số tiền lớn hơn và 8% đối với số tiền nhỏ hơn mức trung bình nói trên .
Ông Shay ước tính Apple có thể có tới 289 tỷ USD tiền mặt ở nước ngoài vào cuối năm tài chính hiện tại kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm 2018. Trong khi đó, con số trung bình trong 2 năm thuế gần nhất sẽ là 234 tỷ USD.
"Để tránh phải trả mức thuế 15,5%, Apple có thể điều chỉnh số lượng tiền mặt của mình thông qua cổ tức hoặc các phương tiện khác", ông Shay nói và cho biết, giảm 55 tỷ USD tiền mặt năm 2018 xuống mức trung bình hai năm sẽ tiết kiệm cho Apple hơn 4 tỷ USD tiền thuế.
Luật thuế mới quy định các cơ quan thuế của Mỹ có thể xuất toán các các giao dịch lách thuế đánh vào lợi nhuận từ nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia về thuế nói rằng, quy định này không được áp dụng tự động và các luật sư có thể lập luận rằng quy định này không áp dụng cho các hoạt động hợp pháp của công ty.